Tuesday, December 29, 2009

VIOLETTE - HOA CÁNH BƯỚM

Vào những ngày xuân tươi mát, đẹp trời, bạn đi dạo bên cánh rừng thưa hoặc ven bờ sông hồ với những bước chân nhanh lẹ thì sẽ không bao giờ thấy được những cánh hoa nho nhỏ, rất dễ thương! Hoa khoe sắc một cách thầm kín giữa những lớp lá mục chen chúc với lớp cỏ xanh vừa vươn mình thức dậy sau một mùa đông lạnh lẻo! Bạn hãy ngồi xuống hay ngã người thật thoải mái trên thảm cỏ và trong không khí yên lành đó, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi khi thấy quanh bạn đầy dẫy những cánh hoa tim tím, trắng tím ...đang nhìn bạn một cách ngây thơ, mê hoặc ... rồi thính giác của bạn tràn ngập một mùi hương rất nhẹ, ngọt ngọt,...và không có gì ngăn cản được đôi tay bạn đưa ra ngắt lấy một cánh hoa cho riêng mình ! Violette đã thu hút và quyến rủ bạn rồi



Ý nghĩa

Tượng trưng cho sự e thẹn, mắc cỡ, khiêm nhượng
Violette màu xanh : Trung thành
Violette màu trắng: niềm vui giản dị, một tình yêu thầm kín

Hoa Violette và Pensée có cùng họ : Violaceae,

rất dễ phân biệt hai loại hoa này :



Violette có hai cánh hoa đưa lên phía trên và ba cánh còn lại đưa xuống phía dưới.
Trong khi đó Pensée lại có bốn cánh đưa lên phía trên và chỉ một cánh nằm phía dưới!

Hoa thích đất trung hòa, nếu có thêm chất vôi càng tốt, đất cần ẩm ướt !


Hoa Violette nở vào hai mùa: Xuân và hạ, nhưng riêng mùa Hạ thì hoa nhỏ và cánh hoa không xòe ra, màu cũng lợt lạt hơn. Loại hoa violette thơm tho có nguồn gốc từ vùng Địa Trung hải!Còn được gọi là Violette de Parme

 


Người Hy Lạp thuở xưa đã dùng hoa kết thành vương miện để đặt trên đầu vào những ngày lễ lộc . Người La mã đã dùng hoa làm rượu và kết vòng đặt trên các mộ phần vào dịp lễ thanh minh của họ.Người vùng Trung Á dùng cánh hoa để làm mứt mật. người Trung hoa dùng để ướp trà. Người Pháp thuộc tỉnh Toulouse rất nổi tiếng về các loại kẹo ngọt và những cánh hoa được dùng tẩm đường để trang trí các loại bánh hoặc dùng cùng riêng với tách trà!



Nước hoa Violette rất nổi tiếng vì mùi thơm rất mê hoặc, ngọt lạ kỳ đến độ người ta cho rằng nó có sức tráng dương.


Hoa được dùng để trị bịnh nhức đầu, mụn mặt, mất ngủ , những cơn ưu sầu!



Hình ảnh hoa Violette đã được tôn vinh trong giới Hoàng Tộc Pháp quốc bắt đầu từ triều đại của Hoàng đế Nã Phá Luân! Lần đầu tiên Ngài diện kiến người đẹp Joséphine de Beauharnais, nàng đã dâng tặng cho Ông bó hoa violette của chính mình! Nhà chiến lược tài ba , người hùng lịch lãm đã xếp gọn vũ khí trước sắc đẹp của nàng: từ đó trở đi, Violette là loại hoa yêu thích nhứt của vị Hoàng đế này !!! Khi ông bị tù đày ở đảo D'Elbe, đảng phái của Ông đã liên lạc với nhau qua mật ngữ sau : " Ông ( Bà ) có yêu thích hoa Violette ? ".

Monday, December 21, 2009

Hoa Cỏ may

Tên Việt: cỏ may 
Tên Hoa: 竹節草(trúc tiết thảo), 蜈蚣草(ngô công thảo) 
Tên Anh: golden beardgrass, lovegrass 
Tên Pháp: vétiver 
Tên khoa học: Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin. 
Họ: Poaceae 蜈 ngô [shu2, wu2, yu2] 13(6/7), 8708 
Bộ: trùng (虫) Ngô công 蜈蚣 con rết.



Hoa Cỏ May - Xuân Quỳnh
Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu.
Mây trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa.
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay ?

Sự tích hoa Cỏ may
Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ có đôi trai gái yêu nhau rất thắm thiết. Nàng xinh đẹp, là con gái của một gia đình giàu có, một tiểu thư khuê các, còn chàng chỉ là anh đốn củi nghèo, mồ côi sống trong túp lều tranh xơ xác.


Có không ít những người môn đăng hộ đối muốn cùng nàng “kết tóc xe tơ”, nhưng nàng chẳng cảm mến ai, vì trọn con tim đã gửi cho chàng trai chăm chỉ, thật thà, tốt bụng.
Mối tình của họ không được chấp thuận, bố mẹ nàng đuổi chàng ra khỏi làng. Vì quá yêu nhau, họ bàn bạc đi đến một nơi thật xa, nơi không ai biết để cùng làm ăn sinh sống. Chàng sẽ cày cuốc thuê, nàng ở nhà trồng rau, dệt vải. Họ chấp nhận cơ cực để được sống bên nhau trọn đời.


Nhưng cuộc sống cơ cực đã biến nàng từ một tiểu thư khuê các thành người đàn bà lam lũ. Nhìn người vợ trẻ rất mực yêu quý phải vất vả đầu tắt mặt tối, chàng không an lòng.
Hàng đêm chàng tự dày vò, trách cứ bản thân đã không đem lại được cuộc sống đầy đủ cho vợ. Nỗi day dứt khiến chàng quyết chí ra đi làm giàu. Chàng để chút vốn liếng ít ỏi còn lại đỡ đần người vợ trẻ rồi ra đi, hẹn một năm sau trở về với cuộc sống đầy đủ, khá giả hơn.
Người con gái ở nhà dệt đan, trồng rau, nuôi trong mình niềm tin, niềm hy vọng mãnh liệt chàng sẽ trở về. Một năm, hai năm, rồi ba năm…thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, nàng vẫn không nhận được tin tức của chồng. Nỗi nhớ nhung cùng niềm mong mỏi làm nàng ngày càng trở nên xơ xác, héo hon. Tình yêu, niềm tin vào người chồng thật thà, tốt bụng khiến nàng quyết định đi tìm chàng với ước mong về một ngày mai đoàn tụ.
Nàng ra đi, đi đến đâu cũng hỏi về tung tích người chồng yêu quý. Biển người mênh mông bao nhiêu, đất trời rộng lớn bao nhiêu cũng không làm người con gái ấy nản lòng. Tình yêu vẫn luôn thường trực và bùng cháy trong sâu thẳm trái tim, một trái tim khát khao kiếm tìm hạnh phúc.  



Thế nhưng tình yêu, niềm tin và hy vọng của nàng cuối cùng chỉ đổi lại bằng những cái lắc đầu, xua tay. Nàng cứ đi, đi mãi, cho đến một ngày mệt quá xỉu lúc nào không hay. Nàng nằm xuống, trong lòng vẫn đau đáu nỗi niềm chờ mong, hy vọng.

Cảm kích trước tình yêu son sắt thủy chung của người vợ trẻ, sau khi nàng chết, Ngọc Hoàng đã hóa phép biến nàng thành một loài hoa cỏ, loài hoa cỏ màu tím bàng bạc, có sức sống mãnh liệt giống như tình yêu thủy chung của nàng.
Chị gió tốt bụng cảm động trước tấm chân tình của người con gái đã đem loài hoa cỏ ấy đi khắp mọi nơi trên các nẻo đường gần xa.
Dù cho người con gái ấy không còn nữa, nhưng tình yêu của nàng thì bất diệt cùng tháng năm, để rồi mỗi lần có khách đi đường ngang qua, nàng vẫn cố gắng níu bám vạt áo họ để hỏi thăm tin tức về chồng.
Hoa cỏ may sắc nhọn, nhức nhối một nỗi niềm đau của tình yêu trong xa cách. 

 

Hoa Cỏ chân ngỗng

Ý nghĩa: Bị bỏ rơi

Hoa của cây Cỏ chân ngỗng là một loài hoa tuyệt đẹp với màu sắc vô cùng tươi tắn. Hoa Cỏ chân ngỗng được trồng rất nhiều ở châu Âu và thường nở hoa vào mùa Xuân.

Tên hoa tiếng Anh là Anemone. Theo Thần thoại Hy Lạp, Anemone là một tiên nữ rất được thần của những ngọn gió Tây Zephyr sủng ái. Nàng có sắc đẹp mê hồn khiến Nữ chúa của các loài hoa còn phải ghen ghét. Và bà ta đã biến nàng thành một loại hoa tuyệt đẹp luôn luôn nở mỗi khi Xuân về.
Từ đó, thần Gió Zephyr đã dần quên và bỏ rơi người đẹp bất hạnh này. 

Trong khi đó thần của những ngọn gió Bấc là Boreas, người trước đây không chiếm nổi tình yêu của nàng thì nay thả sức vuốt ve, suồng sã. Đó là lý do khiến những bông hoa Cỏ chân ngỗng chỉ cần trở gió lạnh là nhanh chóng nhợt nhạt héo tàn. Vì vậy người châu Âu coi Hoa Cỏ chân ngỗng là biểu tượng của Tình yêu lụi tàn và Hy vọng tiêu tan.

Sunday, December 13, 2009

Du lịch Bà Nà

Đà Nẵng đẹp! Chỉ đơn giản vậy thôi bởi từ "đẹp" đã mang trọn vẹn ý nghĩa của nó. Năm nào cũng vậy, có điều kiện là tôi lại đến với thành phố trẻ này. Không một địa danh nào trên đất nước ta lại được thiên nhiên ban cho nhiều đặc ân như Đà Nẵng.

Đà Nẵng có biển, những bãi biển xanh trong với những resort 5 sao nằm nối đuôi nhau trên bờ cát trắng trải dài. Đà Nẵng có sông, sông Hàn với cây cầu quay độc đáo, cầu Thuận Phước văng dây qua cửa vịnh mang bán đảo Sơn Trà lại gần hơn. Và Đà Nẵng có Bà Nà - "viên ngọc khí hậu", nơi con người được hưởng cái không khí châu Âu ngay tại vùng nhiệt đới nóng ẩm. Lần đầu tôi đến đây đã 10 năm...
Những ngày cuối thu, tôi lại có dịp đến với Đà Nẵng. Vừa bước ra khỏi cổng ga nội địa của sân bay Đà Nẵng, du khách được "dí" ngay vào tay một cuốn sách đẹp giới thiệu về Bà Nà Hills với những hình ảnh và lời giới thiệu vô cùng hấp dẫn. Quả thật, du khách nào đã đến đây thì chắc chắn nên thử một lần đi cáp treo Bà Nà. Với 2 kỉ lục Guinness thế giới điều đó thật đáng để bỏ công khám phá. Sau cuộc viếng thăm ngắn gọn đến nhà người thân trong thành phố, tôi quyết định mượn chiếc xe máy để lại đến với Bà Nà.
Hành trình ký ức
Du lịch Bà Nà, Du lịch, Du lịch Bà Nà, Đà Nẵng đẹp
Sự đổi thay của một thành phố điển hình hàng đầu về quy hoạch đô thị được minh chứng bằng con đường đưa du khách lên với Bà Nà. Không còn những cung đường vòng vo bụi mờ mịt, thay vào đó là "con đường 5 sao" chạy dài theo bờ vịnh. Vừa đi, du khách vừa ngắm nhìn từng đợt sóng tung bọt trắng xóa, nhìn lại phía xa xa là bán đảo Sơn Trà như một người khổng lồ xanh vươn mình ra biển. 17km cuối cùng để đến chân Bà Nà lại làm cho du khách ngỡ ngàng bởi cảm giác thu mình, bé nhỏ trong khí núi. Phải nói rằng, nếu bạn có một chiếc xe mui trần thì cung đường này thật đáng để vi vu.
Càng đi càng háo hức, không biết Bà Nà còn đổi thay đến mức nào. Nhớ lại chuyến đi cách đây 10 năm Bà Nà còn heo hút lắm. Để đến được chân Bà Nà gương mặt bạn đã sạm vàng cát bụi, nhưng để lên được đỉnh núi bạn còn phải là một kẻ ưa mạo hiểm. Để tiếp cận được đỉnh núi cao hơn một ngàn bốn trăm mét, du khách chẳng có lựa chọn nào khác ngoài con đường đèo 15km khúc khuỷu men theo sườn núi. Hồi đó, tôi đánh liều phi lên bằng xe máy. Một trải nghiệm thật đáng nhớ trong đời. Phong cảnh hai bên đường làm cho mọi con mắt phải trầm trồ. Một mầu xanh bạt ngàn của rừng nguyên sinh, tô điểm vào đó là những cành hoa sặc sỡ, nhìn xa xa vịnh Đà Nẵng xanh mướt. Điểm đặc biệt của Bà Nà cũng chính là nó chỉ cách biển chừng 20km. Thế nhưng vực thẳm cũng chỉ cách người có một bước chân. Hầu hết du khách lên đỉnh Bà Nà bằng ôtô, những chiếc Toyota cũ kỹ 12 chỗ quả là biết thử thách lòng dũng cảm của du khách, chẳng thế mà khi lên đến nơi qúa nửa trong số họ đều mặt xanh, nanh vàng.
Thế nhưng lần này, mọi chuyện có vẻ hoàn toàn khác. Bà Nà đón tiếp du khách của nó với một nhà ga sang trọng và hệ thống cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới.
Xứng đáng đến từng xu
Du lịch Bà Nà, Du lịch, Du lịch Bà Nà, Đà Nẵng đẹp
Đẳng cấp là điều đầu tiên tôi cảm nhận khi đến Bà Nà Hills. Một không gian tiếp đón sang trọng được mở ra như lời chào thân thiện của Bà Nà. Nếu ai đã từng đến Malayxia và du ngoạn lên thành phố giải trí - Genting bằng cáp treo thì có thể tự hào là ta giờ đã hơn bạn. Hệ thống cáp treo Bà Nà có tổng chiều dài 5.042m gồm 22 trụ và 94 cabin. Đây là tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất hiện nay và đã được vinh danh 2 kỉ lục trong sách Guiness: cáp treo 1 dây dài nhất và có độ chênh giữa 2 ga cao nhất thế giới (1.291m). Tuyến cáp treo đã làm tăng sự lôi cuốn du khách lên đỉnh Bà Nà. 15 phút trong cabin cáp treo Bà Nà lên đỉnh Núi Chúa là hành trình thơ mộng nhất tôi đã từng đi. Xuất phát từ ga đón của cáp treo nằm ngay sát dòng suối Mơ ngày đêm róc rách, những chiếc cabin nhiều màu sắc đưa du khách từ cảm giác hồi hộp rồi chuyển sang lâng lâng hết sức thú vị trên đường lên đỉnh Vọng Nguyệt.
Cảm giác treo lơ lửng giữa không gian để ngắm nhìn những cảnh đẹp cứ từ từ hiện ra trước mắt thật làm cho con người ta cảm giác khoan khoái vô cùng. Ngước lên trên, một pho tượng trắng cứ thoắt ẩn thoắt hiện, nhìn xuống dưới cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ cao có khi đến cả dăm bảy chục  mét vươn mình lên kiêu hãnh đầy ấn tượng. Và cabin 8 hành khách lúc nào cũng chực ồ lên mỗi khi dòng suối Mơ trắng muốt, đổ ào ào trên những phiến đá lớn xuất hiện trong tầm nhìn. Trước kia, Bà Nà và suối Mơ là hai điểm du lịch tách biệt nhau. Thế nhưng từ khi hệ thống cáp treo hiện đại này được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2009, hai điểm du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng đã trở thành một. Chính điều này đã khiến cáp treo Bà Nà ăn đứt Genting trong khoản cảnh quan ngắm nhìn từ cabin.
Du lịch Bà Nà, Du lịch, Du lịch Bà Nà, Đà Nẵng đẹp
Hệ thống cáp treo thứ hai đưa du khách từ Vọng Nguyệt lên đỉnh Núi Chúa (độ cao 1.487m). Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một không gian rộng lớn như một bức tranh hoàn mỹ, nhiều màu sắc giữa bốn bề mây phủ điệp trùng. Chỉ tiếc là cột mốc độ cao này vẫn chỉ là một cột gạch xi măng với những chữ viết nguệch ngoạc của một anh thợ hồ "ít hoa tay", khiến nó chưa thật xứng tầm để tạo thành điểm thu hút.
Cáp treo Bà Nà đã trở thành một đặc trưng của du lịch Đà Nẵng và với 160.000 đồng bỏ ra cho một vé khứ hồi để lên chốn bồng lai tiên cảnh này thì số tiền bỏ ra đó thật xứng đáng đến từng đồng từng xu.
Quá tam ba bận
Du lịch Bà Nà, Du lịch, Du lịch Bà Nà, Đà Nẵng đẹp
Thiên nhiên Bà Nà vẫn đép thế, từ 10 năm trước và đến nay vẫn vậy. Những đóa Cẩm Tú Cầu (chỉ mọc ở xứ lạnh) vẫn nở thắm nơi này. Những đàn khỉ tự nhiên đã thân với con người. Những du khách nhí đến Bà Nà đều rất thích thú khi tận tay đưa cho chúng đồ ăn. Và những làn hơi sương vẫn vương víu du khách chẳng khác nào như Đà Lạt, Sapa hay Tam Đảo. Thế nhưng lần này cũng như 10 năm trước lên đây, "Bà Nà của con người" vẫn chưa đối đãi với du khách một cách nồng hậu.
Trong khi những dự án được tọa lạc trên khu đất có diện tích 605ha, bao gồm các hạng mục: phòng biệt thự, bungalow, nhà hàng, khách sạn...theo kiểu Pháp cùng nhiều dịch vụ vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn "6 sao" vẫn còn đang qúa dở dang thì những Lệ Nim, Bà Nà by night...vẫn hoạt động nhưng khâu dịch vụ và lưu trú chất lượng còn qúa kém, vẫn chẳng khác nào cái thời "trăm hoa đua nở" khi Bà Nà bị xẻ nhỏ ra để đầu tư (dù rằng giờ đây tất cả đều đã quy về một mối). Và dù những công trình lớn đang được xây dựng, trông thật đẹp đẽ và thu hút, nhưng vẫn có cái gì đó ái ngại với sự thiếu chuyên nghiệp trong việc thỏa mãn du khách, để níu chân họ lại hay ít nhất không làm phai nhạt hình ảnh một Bà Nà tươi đẹp và thực sự đã đổi thay.
Tuy phải chờ đến những khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án trên đỉnh Núi Chúa để thực sự có thể ở lại Bà Nà dài ngày hơn, nhưng nếu chỉ đi trong ngày, đây vẫn thực sự là một điểm đến lý tưởng để hòa cùng thiên nhiên, để tận hưởng bốn mùa thay đổi trong ngày hay chỉ để ngắm cảnh Bà Nà từ hệ thống cáp treo được ghi vào kỉ lục.
Với người viết, đành hẹn lại lần thứ ba lên Bà Nà để chứng kiến một Bà Nà đẹp hơn và thân thiện hơn với du khách của mình.

Thursday, December 10, 2009

Dạ Lan Hương

Dạ Lan Hương có rất nhiều màu sắc: trắng, tím, hồng...Hoa rất đẹp và thường được chon để trưng bày vì hầu hết mọi người đều rất thích ngắm loại hoa này.


Họ Lan dạ hương (danh pháp khoa học: Hyacinthaceae) là một họ thực vật một lá mầm có hoa. Phần lớn các chi hiện nay nằm trong họ này thì trước đây được đạt trong họ Loa kèn (Liliaceae), nhưng các hệ thống phân loại thực vật gần đây đã tách Hyacinthaceae ra thành một họ riêng trong bộ Măng tây (Asparagales). Các loài trong họ Hyacinthaceae là các loại cây thân thảo sống lâu năm được phát triển từ thân hành và nó bao gồm một số loại cây trồng phổ biến trong vườn như lan dạ hương (chi Hyacinthus), huệ xạ (chi Muscari), chuông tím (chi Hyacinthoides) và hành biển (chi Scilla).


Nghiên cứu gần đây trong phân loại phân tử đã dẫn tới sự sửa đổi tiếp theo của họ Hyacinthaceae và một số chi trước đó được đặt trong họ này (ví dụ các chi Chlorogalum và Camassia, nay thuộc họ Thùa - Agavaceae) hiện nay lại được đặt trong các họ khác cùng thuộc bộ Măng tây.


THeo APG II, họ này chứa khoảng 770-1.000 loài, phân bổ trong 41-70 chi.