Mùa hoa anh đào 2011 bắt đầu khi hàng hoa ở đền Yasukuni của Thủ đô Tokyo bắt đầu nở rộ. Điều này có nghĩa là mùa xuân đã về, và nhà nhà, người người cùng tụ tập dưới gốc hoa để ngắm và chung vui.
Những chùm anh đào đầu tiên hé nụ tại Yasukuni ở Tokyo |
Thế nhưng hôm đầu tuần 28-3, sau công bố chính thức bắt đầu mùa anh đào, Tokyo chìm trong một không khí khác thường, đó lạ sự yên ắng khác hẳn mọi năm giữa những lo âu vì khủng hoảng hạt nhân sau thảm họa động đất – sóng thần vừa qua.
Không có được không khí náo nhiệt, vui tươi như mọi năm nhưng mùa anh đào năm nay, nhiều người đi ngắm hoa để khỏa lấp những lo lắng, phiền muộn của cuộc sống. Mitsue Yamazaki, một bà nội trợ nói: “Không ích gì nếu lúc nào cũng chán nản, tuyệt vọng, vì vậy tôi nghĩ nên ra ngoài để đi dạo một chút giúp lấy lại tinh thần”.
Thưởng hoa và chụp ảnh là thú vui khó bỏ đối với người dân Tokyo. Ảnh chụp tại công viên Shinjuku Gyoen hôm chủ nhật tuần trước |
Sau khi bung nở đến 80% trên cây, anh đào sẽ nở rộ trong vòng 1 tuần rồi rụng. Năm nay, anh đào đã nở chậm hơn 5-6 ngày so với năm ngoái.
Từ những nụ ban đầu, bất chợt hoa nở trắng một vùng |
Sự đơn giản, tinh khiết và thực tế nghiệt ngã là vẻ đẹp ẩn bên trong của loài hoa anh đào. Bản thân loài cây này có một sức mạnh riêng, nó dạy cho con người quy luật sinh-tử trong cuộc đời: Hoa rụng đúng lúc nở đẹp nhất.
Đối với người dân Nhật Bản, không gì bi tráng như loài hoa này, xen lẫn nỗi buồn, sự tiếc nuối là niềm hy vọng khi nó tạo cho người ta cảm giác về sự hồi sinh, vòng tuần hoàn của cuộc sống.
Bởi vậy, trong văn hóa Nhật Bản, anh đào “sakura” cũng là hiện thân của nội lực, sự vươn lên, “cháy” hết mình dù vòng đời ngắn ngủi.
Bỗng một ngày cả con phố này ngập trong hoa anh đào mà cả năm ai nấy đi qua đều không để ý đến, chỉ nghĩ đó là “cây”.
Theo điều kiện khí hậu, các cây hoa ở vùng nắng ấm phía nam Nhật Bản nở trước, sau đó lan dần lên phía bắc. Các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề ở vùng đông bắc dự kiến sẽ có anh đào nở từ đầu đến giữa tháng 4. Bởi thế, tờ Asahi Shimbun đăng bài thơ có đoạn: “Thậm chí vùng đông bắc/Anh đào còn đợi xuân”.