Tường vi thuộc họ hồng (Rosacea) là giống hoa đồng nội dễ trồng. Hoa tường vi có mặt khắp nơi. Người dân quê yêu hoa, thường trồng hoa tường vi làm bờ rào. Tường vi thân khá cao dễ chừng đến 2m - quanh thân có gai bén. Lá tường vi là loại lá có bẹ, có khía như lá hồng. Hoa nở rừng chùm ở ngọn, mỗi chùm chừng năm đến bảy hoa. Hoa không lớn như hồng nhưng sắc hoa rực rỡ tươi sáng từ nhạt đến hồng đậm.
Hoa tường vi có đủ sắc và hương. Hoa nhiều, chỉ có điều hoa không lớn và dễ trồng nên không được người sành điệu ưa chuộng chăng? Tường vi đẹp mà kiêu sa như hoa hồng vốn được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loài hoa”. Trái lại tường vi lại lặng lẽ nép bên bờ rào, khiêm tốn tỏa sắc hương như cô thôn nữ. Có ai dám bảo rằng những cô gái quê không đẹp? Chỉ có điều là họ không trau chuốt, không điệu đàng mà thôi.
Sắc hương hoa tường vi không kém hồng. Đứng giữa màu xanh của vùng quê, tường vi đẹp như cô gái quê khỏe mạnh tràn đầy sức sống và khiêm tốn:
Tường vi lặng lẽ đứng trong vườn
Ẩn nhẫn, âm thầm giữ sắc hương
Thôn nữ nghiêng nghiêng cười
dưới nón
Yêu kiều chờ đợi chút tình thương
Tâm sự của tường vi lặng lẽ như thế đó nhưng không vì thế mà tường vi bị lãng quên. Tường vi đã là nhứng nhân của một mối tình ngây thơ trong sáng của đôi trai gái quê, nhưng cuộc tình cũng lắm uẩn khuất khiến nó trở thành bất hủ với bản nhạc “Cô láng giềng” của Hoàng Quý.
Chuyện tình ấy bắt đầu từ những ngày còn bé “đôi ta cùng đứng bên rào tường vi” chàng hái tặng nàng một đóa rồi cài lên mái tóc. Họ âm thầm yêu nhau.
“Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly”
Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng là mặt nước hồ thu phẳng lặng. Họ lớn lên, chàng đi xây sự nghiệp với cây đàn… Thời xưa ấy học đàn quả là điều rất khó. Chỉ có những công tử Hà Thành con nhà quyền quý mới có đủ điều kiện để học nhạc. Thế mà Hoàng Quý vẫn một tình yêu là cây đàn và mối tình hoa tường vi. Rồi cách mạng tháng Tám và kháng chiến bùng nổ, Hoàng Quý cũng như bao chàng trai khác lên đường đi kháng chiến. Thế là thư từ không qua lại được, rồi họ bặt tin nhau. Bao ngày chờ đợi mỏi mòn. Xuân sắc người thôn nữ như hoa chỉ có một thời!
Khi anh trở về với bao nỗi niềm thì oái ăm thay đó cũng là lúc người con gái lên xe hoa:
“Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng”
Và khi chàng đã rõ:
“Tôi biết người ta đón em tưng bừng”
Thế thì còn gì để mà mong mà đợi chờ. Đêm ấy chàng trai Hoàng Quý ôm đàn viết những dòng nhạc “Cô láng giềng”. Lời và nhạc như những dòng máu từ trái tim rạn vỡ mà thành. Thế là mấy hôm sau Hoàng Quý cũng từ giã cõi đời để lại bản nhạc bất hủ sáng ngời như hạt ngọc có hình ảnh đóa tường vi.
Tường vi còn là những kỷ niệm thân thương. Xuân Diệu sau 30 năm xa cách quê nhà, ngày giải phóng anh mới về thăm. Tôi đưa anh đi một vòng quanh vườn, nhà đã bị chiến tranh tàn phá chỉ còn nền trơ trọi. Bước chân lên thềm anh dừng lại bồi hồi xúc động. Anh chỉ tay vào góc vườn bảo:
Em nhớ trồng bụi tường vi nơi này. Ngày xưa ngoại thường hái hoa nơi đây bỏ vào trà. Bà rất thích hương tường vi, trà nhàn nhạt trong xanh. Hình ảnh cũ lại về. Ngày còn bé anh thường hái hoa tường vi hầu trà cho bà.
“Ngoại là người thứ nhất của quê hương”
Hoa tường vi không chỉ là chứng nhân một cuộc tình, một kỷ niệm. Hoa còn đi vào câu hát trong dân gian ở quê tôi. Vào những đêm trăng từng lớp gái trai giã gạo hát hò. Họ trao nhau tình cảm qua câu hát tiếng chày.
Em như một đóa tường vi
Giai lên đến ngọn dễ chi hái về
Một người trong đám hát rằng:
Em như một đóa tường vi
Anh như con bướm sợ gì đám gai
Cô gái không vừa:
Tường vi hoa dại bên rào
Ai mà động đến gai cào sướt tay
Và một chàng trai si tình hát:
Gai cào thì mặc gai cào
Đem về cắm lọ, bưng vào nâng ra
Tình cảm của con người đối với hoa tường vi thật trong sáng sâu đậm. Hoa xứng đáng có mặt trong vườn của người yêu hoa, yêu cây cảnh.
Văn thơ lai láng chảy tồ tồ.
ReplyDeleteTôi thật cảm phục tài của cô.
Mấy khóm tường vi bên giậu đổ.
Làm tôi nổi hứng muốn hiếp cô.