Monday, August 31, 2009

Chim Sơn Ca

TỔNG QUAN VỀ SƠN CA

* Gồm các loài chim bé cỡ bằng chim sẻ. Giò của sơn ca phủ vảy cả hai mặt trước, sau (dưới kính lúp). Cạnh sau của giò tròn mà không sắc như những họ khác thuộc bộ Sẻ. Các loài chim của họ này thường sống dưới mặt đất do đó giò và ngón chân cũng có cấu tạo thích nghi với môi trường sống dưới đất. Giò khá dài, khoẻ, móng chân ở móng cái thường dài và thẳng. Mỏ hình chóp, mép mỏ trên và dưới trơn, mút mỏ trên có vết lõm. Cánh dài, nhọn có 9 hay 10 lông cánh sơ cấp.

Đuôi có 12 lông. Bộ lông thường xỉn, màu nâu hung hay nâu, rất khó phân biệt với đất và cỏ khô. Chim đực, cái có bộ lông giống nhau hay hơi khác nhau. Các lông gáy thường dựng lên thành mào lông ngắn. Họ này thường sống ở đồng ruộng, bãi cỏ ở đồng bằng và miền núi. Thức ăn chính là côn trùng và hạt cỏ dại. Làm tổ trên mặt đất trong các bụi cỏ. Mỗi lứa đẻ 3-5 trứng. Thời gian ấp trứng từ 12-16 ngày. Họ này phân bố rộng trên thế giới gồm 47 loài. Ở Việt Nam có 4 loài thuộc 2 giống.

Tại Việt Nam, Sơn Ca được ưa chuộng nhất là loài sống ở Đà Nẵng đến Quảng Ninh do màu lông sáng hơn và có giọng hót hay hơn những nơi khác.(ở SGN thường gọi chung là sơn ca Huế)
Phần lớn các nghệ nhận đánh giá Sơn Ca có đẳng cấp không loài nào có thể qua mặt, tuy vẻ bề ngoài xấu xí nhưng Sơn Ca có giọng hót dài, âm thanh thánh thót và âm diệu du dương thay đổi liên tục như tiếng suối reo , thác đổ...

Chim sơn ca là loài chim có tập quán sinh hoạt dưới mặt đất là chính (không thể đậu và chuyền trên cành cây) vùng đồi thấp hoặc đấy bãi bằng cây cối lúp xúp (không ở trong rừng)
Vùng có sơn ca: Sơn ca thi có thể nói là cả 3 miền của Việt Nam đều có như hay nhất thì có sơn ca tại Bãi Cháy (Quảng Ninh): vừa lớn con, đẹp, giọng hót thì tuyệt; sơn ca Huế: lớn con, lông màu vàng nghệ, trán nổi vân; sơn ca Đà Nẵng: vân khía hót cũng hay; sơn ca Bà Điểm, Long Thành : hơi nhỏ con, màu lông tối, rất nhát, nuôi lâu dạn nhưng hót được

Sunday, August 30, 2009

Suối Tiên BR-VT

Đã từ lâu, du khách trong và ngoài nước đều gọi khu du lịch Suối Đá, Suối Tiên là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời mà tạo hoá đã ban tặng cho nơi này.


Suối Đá, Suối Tiên đều bắt nguồn từ đỉnh núi Dinh cao 491m do những dòng suối nhỏ chảy men theo các vách núi, sườn đồi hợp thành chảy êm đềm uốn lượn quanh những rừng cây tạo nên những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú.

Núi Dinh với rất nhiều vách núi đẹp tự nhiên khi nhìn từ xa có hình chú voi khổng lồ nằm chầu về phía biển. Những chùm hoa cương trần trụi, bám đầy địa y xen lẫn rêu phong, có lẽ hàng ngàn năm rồi đá nằm ngủ trong rừng sâu nay bỗng thức giấc, có rất nhiều những tảng đá cao với hình khối sống động: Đây là hai tảng đá đứng gần nhau như hai mẹ con lâu ngày gặp nhau đang ngồi trò truyện, còn kia là cảnh một hòn đá giống chú bé con đang hờn dỗi mẹ, kế đó là cảnh một cụ già đang ngồi trầm tư với con mắt đang thả vào cõi mông lung, xa thẳm...

Dọc theo suối còn có những thạch bàn phẳng lỳ nằm nghiêng nghiêng khá rộng, bạn có thể ngồi hay nằm nghỉ khi dừng chân, ở đây bạn có thể nghe tiếng suối ào ạt tuôn chảy từ đỉnh thác của suối Tiên đổ xuống tạo thành những giếng trời khá sâu nước trong xanh có thể nhìn thấy những hòn sỏi trắng muốt dưới đáy.  Nước chảy xối xả, tung toé, hơi nước hoà vào không gian những hạt bụi li ti tạo nên cảm giác thật dễ chịu. Từ tháng 7 - 8, suối cuộn mình tung bọt trắng xoá để tới tháng 10 khi bắt đầu vào mùa khô dòng suối hiền hoà trở lại. Du lịch suối Đá, bạn nên chuẩn bị giày thể thao và một chiếc gậy nhỏ để đi dọc các bờ và vượt thác, qua đoạn đường gập ghềnh và dốc trơn, bạn có thể dừng chân nghỉ hoặc tắm ở những giêng nước nhân tạo trong mát.

Từ Suối Đá đến Suối Tiên phải vượt qua 600m đường rừng quanh co. Tương truyền ở nơi đây cây cối rậm rạp, núi rừng hoang vắng và những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời thường xuống hạ giới để du ngoạn. Qua dòng suối này các nàng tiên rủ nhau tắm mát rồi mới về trời. Hiện nay ở phía mỏm đá của núi Dinh có dấu chân thật xinh xắn in thành ngấn trên đá gọi là dấu chân tiên. Có lẽ người xưa qúa yêu cảnh sắc nơi đây nên đã đặt cho nó một cái tên thật huyến ảo: Suối Tiên.

Khu thắng cảnh Suối Tiên xứng đáng là địa điểm lý tưởng cho những cuộc tham quan, dã ngoại, tìm về thiên nhiên khiến du khách quên đi những giờ phút làm việc căng thẳng.

Friday, August 28, 2009

Hoa Mộc Lan

Chi Mộc lan (danh pháp khoa học: Magnolia) là một chi lớn gồm khoảng 210[1] thực vật có hoa thuộc phân lớp Magnoliidae, họ Magnoliaceae.


Các loài mộc lan có phân bố rời rạc, với trung tâm chính là Đông Á và Đông Nam Á và các vùng tập trung nhỏ hơn là đông Bắc Mỹ, Trung Mỹ, vùng Caribe, và một số loài ở Nam Mỹ.
Tên khoa học của chi Mộc lan được đặt theo tên của nhà thực vật học người Pháp Pierre Magnol.

Mộc lan là một chi thực vật cổ đã tiến hóa trước khi ong xuất hiện, hoa mộc lan đã phát triển để khuyến khích sự thụ phấn bởi côn trùng cánhh cứng. Do đó, hoa mộc lan có lá noãn cứng để tránh bị hỏng do bọ cánh cứng ăn và bò quanh. Các mẫu hóa thạch của M. acuminata được xác định có niên đại khoảng 20 triệu năm, và một số hóa thạch của các loài thực vật thuộc họ Mộc lan được xác định niên đại 95 triệu năm. Một đặc điểm nguyên thủy khác của các loài mộc lan là chúng không có đài hoa và cánh hoa tách biệt.

Thơ:
Hương ngọc lan đêm (Trương Nam Hương, Việt Nam)

Anh đi qua phố nhà em
Hương ngọc lan thoảng trong đêm ngọt ngào
Ngỡ là ướp được trăng sao
Ước chi hứng trọn hương vào lòng tay

Phải là em đứng đâu đây
Hoa thơm như tóc em ngày biết yêu
Ngọc lan e ấp mãi điều
Như chưa nói được lúc chiều với anh

Ai rung một tiếng đàn tranh
Tần ngần anh - lẻ mình anh - đứng chờ
Phòng em cửa sổ khép hờ
Mơ hạnh phúc cửa bất ngờ mở ra

Hằng đêm lặng lẽ, anh qua
Cái điều kia chẳng nói ra, giữ hoài
Hương còn thơm đẫm bờ vai
Mà e ở mãi khoảng ngoài - xa xăm

Tình anh ngày ấy lặng câm
Em - như - hoa - ngọc - lan - thầm - toả hương

Sự tích hoa Mộc Lan

Ở Nhật Bản có một người con gái tên là Câycô, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà nghèo, ngay từ khi còn nhỏ nàng đã phải tự đi làm để kiếm sống.
Một cô bé như nàng phỏng có thể làm được việc gì? Nàng phải làm hoa giấy đem ra phố bán. Nhưng hoa bán đã nhiều, mà tiền thu về chẳng đáng là bao. Khi đã ra dáng một thiếu nữ. Câycô cũng không có đủ tiền sắm nổi một bộ Kimônô mà các cô con nhà quý phái vẫn mặc.
Một đêm nọ, khi Câycô đang mải làm việc trong phòng của mình, bỗng có một con vẹt bay đến đậu trên bậc cửa sổ bỏ ngỏ. Đôi cánh màu xanh của nó đã nhợt nhạt, có lẽ nó đã già song vẫn còn đủ minh mẫn và biết nói tiếng người.

- Đừng đuổi ta, ta sẽ tiết lộ cho nàng một điều bí mật về cách làm giàu.
- Vẹt yêu quí ơi, cớ sao ta lại đuổi mi - Câycô buồn bã mỉm cười - ở đời ta chẳng còn biết thổ lộ tâm tình với ai, thế mà mi lại nói được tiếng người. Cứ ở lại đây, cùng chia nghèo, sẻ khổ với ta, còn sự giàu sang, phú quý, tốt nhất là chẳng nên màng tới, vì ta rất xa lạ với chuyện ấy.
- Đa tạ Câycô tốt bụng - Vẹt gật gù - Trước khi đi tìm chủ mới, ta đã chăm chú theo dõi các cô gái bán hoa, và ta đã thấy nàng tặng bông hoa đẹp nhất của mình cho một cô gái nghèo như thế nào rồi. Cô gái nghèo ấy không có tiền nhưng lại rất muốn làm cho người bà ốm yếu của mình được thanh thản nỗi lòng.

Nhưng vì sao ngươi lại phải đi tìm chủ mới? - Câycô hỏi - Phải chăng chủ cũ không tốt với mi?
- Bà ta đã qua đời - Vẹt đau đớn báo tin, rồi im lặng giây lát - Bà ta chết vì tham lam.
- Bà ấy nghèo lắm à? - Câycô hỏi tiếp.
- Không, rất giàu là đằng khác. Song với bà, như thế còn quá ít. Bà đã bán đến giọt máu cuối cùng để lấy vàng - Vẹt nguẩy mỏ vẻ trách móc.
- Đổi máu lấy vàng là thế nào, ta không hiểu? - Câycô ngạc nhiên.

- Chuyện là thế này. Bà chủ của ta cũng làm nghề bán hoa giấy như nàng, song có một mụ phù thuỷ đã tiết lộ cho bà một bí mật về cách làm cho hoa giả trở thành hoa tươi, nghĩa là phải lấy máu của mình tiếp sức cho các cành hoa. Chính nàng cũng thừa hiểu hoa tươi quý như thế nào rồi. Chẳng bao lâu bà chủ trở nên giàu có. Lúc đó mụ phù thủy đã báo trước cho bà ta rằng, dù thế nào cũng chớ có hiến đến giọt máu cuối cùng. Nhưng với bà chủ của ta, dầu có tích góp được bao nhiêu của cải cũng vẫn cứ là ít. Và thế là khi có một vị khách ngoại bang hứa cho bà một khoản tiền lớn nếu bà bằng lòng tiếp thêm sinh lực cho hoa. Bà chủ đã không ngần ngại ngay cả đến giọt máu cuối cùng để có thêm nhiều tiền và bà đã phải chuốc lấy cái chết. Số của cải bà để lại trở thành miếng mồi ngon cho đám họ hàng xâu xé nhau.

- Thật là khủng khiếp! - Câycô thốt lên - Vì sao mi không ngăn cản bà ta?
- Rơi vào hoàn cảnh ấy, người ta khó mà sáng suốt - Vẹt phàn nàn. - Ta đã thẳng thắn khuyên nhủ bà đừng hành động một cách ngu ngốc, song bà trả lời như thế nào, nàng biết không? "Ta đã chán ngấy những lời đường mật của họ nhà Vẹt rồi!" bà chủ nói thế đấy.
- Vẹt già tốt bụng ơi, hãy ở lại đây với ta và làm cố vấn cho ta - Câycô gợi ý. Vẹt cảm thấy hởi lòng, hởi dạ.

Sau khi bán được ít hoa tươi đầu tiên, Câycô liền mua ngay một bộ Kimônô lụa và một đôi dép thật đẹp. Nàng chải lại mái tóc đen mượt và cài lên đó một bông hồng đỏ thắm rồi đi ra phố. Từ bóng cửa sổ xa xa, nàng nhìn thấy một cô gái xinh đẹp. Câycô gật đầu chào. Cô gái cũng gật đầu chào lại. Hai người cùng mỉm cười với nhau. Câycô đoán rằng cô gái đó có lẽ là hình bóng của nàng được phản chiếu vào gương.

Câycô nhanh chóng hoà vào dòng người trẻ tuổi, và lần đầu tiên trong đời nàng, được đặt chân tới một gian phòng rực rỡ ánh đèn, nơi có từng cặp trai gái đang nhảy múa uyển chuyển như chim bay, bướm lượn. Có một chàng trai đến mời Câycô. Nàng vừa nhảy vừa mỉm cười một cách sung sướng. Chàng trai khiến nàng thích thú nhất ấy có tên là Aratumi.
- Câycô ơi! - Aratumi nói, - Em đẹp khác nào một đoá hoa Anh Đào nở chúm chím. Hãy nói đi, biệt thự nhà em ở đâu và vì sao một cô gái sang trọng như em lại đến nơi vũ hội của đám sinh viên nghèo hèn này?

Câycô toan thú nhận nàng chỉ là một cô gái nghèo rớt đang sống trong một căn nhà dột nát, nhưng nàng chợt nhớ tới nhan sắc tuyệt trần của mình, nàng hình dung ngay việc nàng sẽ nhanh chóng trở nên giàu có và sẽ xây được biệt thự ra sao. Chính bản thân Câycô cũng không nhận thấy nàng đã vẽ ra trước mắt chàng trai mơ ước của mình về một toà biệt thự y như thật. Khi nàng im lặng, Artumi thở dài nói:

- Đáng tiếc là em giàu có như vậy. Một chàng sinh viên nghèo đâu dám đặt chân tới toà biệt thự, vậy mà anh lại cứ muốn được trông thấy em.

Câycô không dám thú nhận rằng nàng không hề có biệt thự nào cả. Song nàng cũng rất muốn gặp lại Aratumi và ngỏ ý rằng, hôm khác nàng sẽ tới công viên thành phố dạo chơi.
Khi Câycô và Aratumi gặp nhau ở công viên, họ cầm tay nhau cùng bước đi trên những con đường nhỏ, và kỳ diệu thay, từ lúc nào cặp môi của họ đã xoắn xuýt với nhau trong một cái hôn dài.

- Câycô, Câycô của anh! - Aratumi thì thào - nhưng mặt chàng lập tức sa sầm lại - Đó phải chăng là một cái hôn vĩnh biệt? Vì cha em sẽ không cho phép em được làm vợ một sinh viên nghèo.

Câycô bắt đầu khóc lóc và nàng đành thú nhận rằng, biệt thự, đó chỉ là chuyện nàng bịa ra, rằng nàng chỉ là một cô gái bình thường chuyên nghề làm hoa giấy đem ra phố bán.

Nếu Câycô thấy được nét mặt Artumi thay đổi như thế nào thì chắc hẳn nàng đã không tiết lộ cho chàng biết điều bí mật của đời mình. Nhưng vì xấu hổ, nàng đã nhắm nghiền mắt lại. Còn Aratumi, sau khi nghe chuyện nàng, đã vội nắm lấy bàn tay nàng. Chàng thậm chí còn tỏ ra vui vẻ, bởi sắc đẹp của Câycô sẽ hứa hẹn một sự giàu có vô biên.

Cô gái Câycô mảnh khảnh bắt đầu những ngày lao động cật lực. Cần phải làm thật nhiều hoa, đặc biệt làm thêm hoa tươi nhiều hơn nữa, rồi đem bán đi để mua một ngôi nhà nhỏ. Họ sẽ sống ở đó sau khi cưới. Nàng sẽ mua thêm thảm, tranh, đồ sứ cùng những bộ quần áo mới cho mình và cho chồng. Một buổi chiều, Vẹt nói như muốn thức tỉnh cô gái:
- Câycô ơi, nàng đang tiêu phí máu mình một cách quá dễ dãi đấy!
- Ôi, anh bạn Vẹt già đáng yêu của ta! - Câycô vuốt đầu Vẹt - khi Aratumi học hành xong, chàng sẽ kiếm đủ tiền và ta sẽ được nghỉ ngơi.
Nhưng khi hai người vừa tổ chức xong lễ cưới thì Aratumi cũng bỏ luôn trường lớp, vì chàng chẳng thiết theo đuổi đèn sách nữa.
- Anh chỉ thích được xem những ngón tay nhỏ nhắn của em trổ tài khéo léo và duyên dáng khi em làm hoa thôi.

Nghe những lời nói ngon ngọt của chồng, nàng cảm thấy thật sung sướng. Nhưng chỉ vài năm sau, ngôi nhà bé nhỏ kia đối với Aratumi thật quá xuềnh xoàng. Nhiều lần chàng nói với vợ :
- Tất thảy chúng bạn của anh đều sống rất sung túc. Trước họ anh cảm thấy rất ngượng.
Và những ngón tay của Câycô lại làm việc miệt mài hơn. Để có được một ngôi nhà khang trang ngày tháng sao ngắn ngủi thế. Cứ chiều chiều, khi Câycô đi bán hoa ngoài phố thì Aratumi ngồi một mình bên ấm trà. Chàng còn biết làm gì vào lúc này?

- Câycô ơi, Câycô - Vẹt lắc đầu buồn bã mỗi khi chủ của nó trở về nhà ngồi vào chỗ làm việc với dáng vẻ mệt mỏi.
Còn chàng Aratumi nghèo khổ lúc nào cũng chỉ thích sống trong một biệt thự. Chàng cho rằng Câycô đã lừa dối chàng. Nàng đã hứa với chàng sẽ có một chỗ ở khang trang, vậy mà cho đến giờ chàng vẫn cứ phải chui rúc trong túp lều tồi tàn. Câycô cảm thấy mình có lỗi, bởi nàng càng ngày càng thêm yêu Aratumi.
- Chúng ta sẽ có biệt thự, nàng cam kết với chàng như vậy, và càng rút ngắn bớt thời gian nghỉ ngơi của mình.

- Câycô ơi, hãy cẩn thận, - Vẹt báo trước - Nàng đã quá yếu rồi, máu trong tim nàng còn lại rất ít đấy.
- Bạn ơi, chúng ta sắp có biệt thự rồi, lúc đó ta sẽ bắt đầu đầu sống như một bà hoàng - Câycô nói.
Lời đồn đại về cô gái bán hoa bé bỏng có tên là Câycô lan truyền khắp gần xa. Magơnon, một nhà kinh doanh hoa người Pháp đã lặn lội sang tận Nhật Bản để mua hoa của Câycô. Đối với Magơnon, chỉ có hoa không, chưa đủ. Ông hứa sẽ cho Câycô một khoản tiền lớn nếu nàng làm cho những bông hoa cùng với gốc của chúng trở thành hoa thật. Hơn nữa, chúng phải có đủ bốn màu: trắng, vàng, hồng và đỏ.

Câycô đã bán cho Magơnon đủ các loại hoa và vào phút chót nàng còn làm thêm một bông hoa đỏ chói có cả cành lẫn gốc. Nhưng nàng cũng không còn đủ sức để trích đầu ngón tay của mình và dùng máu tiếp sức cho rễ hoa nữa.

- Câycô, Câycô ơi! - Vẹt hét lên một cảnh thảm thiết, - chớ có cho giọt máu cuối cùng!
- Thôi đủ rồi, anh bạn già ạ, loài Vẹt nhà mi chỉ quen khoác lác thôi - Aratumi dúi đầu Vẹt xuống và túm lấy cánh nó ném sang phòng khác.
- Aratumi yêu quý, em chỉ còn giọt máu cuối cùng thôi. - Câycô lặng lẽ nhìn vào mắt chồng.
- Ta cần một bông hoa đỏ, đỏ thật sự - Magơnon hồi hộp nói - Ta sẽ không tiếc tiền, miễn là nàng làm cho bông hoa đỏ này thành bông hoa thật.

- Câycô, em cần phải hiểu rằng điều đó có ý nghĩa đối với chúng ta lắm chứ? Aratumi lắc mạnh vai vợ - Em có hiểu không, đời sẽ thế nào nếu chúng ta sẽ có một tòa biệt thự? Tòa biệt thự mà em đã hứa với anh đó!
Sau khi lấy hết hơi tàn sức kiệt, Câycô chích đầu ngón tay mình, vắt ra giọt máu cuối cùng tiếp sức cho rễ bông hoa đỏ.
Aratumi xây xong toà biệt thự và cưới một cô vợ khác. Magơnon mang những bông hoa tươi rói về Pháp và đặt tên cho nó là Magơnôlia, nghĩa là "Hoa Mộc Lan", Còn nàng Câycô thì sao? Nàng đã lùi vào những trang huyền thoại của loài người.

Thursday, August 27, 2009

Hoa cẩm chướng


Thơ: Hoa Cẩm Chướng Trong Mưa (Lưu Quang Vũ)
Người hát rong mù loà
Đi trên đường nắng gắt
Hoa cẩm chướng xanh
Rơi trên bậc đá bến tàu
Biển mù sương
Ngọn đèn đêm nhấp nháy
Đôi mắt màu mưa
Luôn giã từ và gặp gỡ
Giọng hát nào nức nở:
“Bao giờ cẩm chướng nở hoa
Người tôi mong chờ
Trở về cùng tôi mãi”

Sự tích:

Cẩm chướng cũng xuất phát từ một chuyện tình. Câu chuyện tình của một cô công chúa tóc dài sống lẻ loi trong cung điện trên vùng thượng nguồn. Trời cao nguyên lành lạnh đủ làm tăng màu đen óng ả của mái tóc, làm căng làn da mặt trắng hồng mịn màng như bông, làm màu đỏ của đôi môi người con gái như mọng hơn lên trong màn sương sáng, và nhất là làm đôi mắt ướt của nàng như sáng long lanh trong những giọt sương...Cẩm chướng đẹp nổi tiếng khắp nơi, nhưng đồng thời nàng bao giờ cũng mang một vẻ buồn. Sở dĩ nàng phải chịu cảnh sống lẻ loi giữa vùng hẻo lánh này chỉ vì lời tiên đoán của một lão ông với vua cha, khi nàng vừa chào đời, rằng nàng sẽ phải chịu nhiều bất hạnh.

Vua cha vì sợ, và thương con, nên đành đem nàng đi cất giấu nơi đèo heo khuất gió để tránh khỏi hung tà. Thế nhưng tiếng đồn xa gần về sắc đẹp của Cẩm chướng cũng lan nhanh, nhất là những buổi chiều khi giọng hát của nàng lan rộng khắp núi đồi, hoà vào hợp âm của những chú chim non hót véo von xung quanh, và những cơn gió reo bên ngoài...Bao nhiêu người đánh tiếng hỏi vợ, nhưng vua cha một mực từ chối, thâm tâm vẫn để ý kiếm tìm một phò mã xứng danh...

Một ngày kia, Cẩm chướng lâm bạo bệnh. Thầy thuốc hết sức chữa nhưng đành cúi đầu chịu thua. Bỗng đâu vị lão phu ngày nọ đòi diện kiến nhà vua, và phán rằng bệnh của nàng chỉ có thể chữa được bằng cánh lá của một loài hoa trắng, mọc cheo leo trên đỉnh núi, giữa hai vực thẳm và một ngọn thác....Vua phải tìm cho bằng được cánh hoa đó để cứu con, nên truyền lệnh hễ ai kiếm được đóa hoa đó, sẽ lấy được nàng, và sẽ được truyền ngôi cho. Bao nhiêu chàng trai đua nhau vào rừng tìm kiếm, nhưng đều thất vọng, trong khi đó sức khoẻ của Cẩm chướng tắt dần...

Trong lúc mọi người thất vọng, một hôm, người tiều phu trẻ, dáng nghèo nàn, xuống ngựa đem dâng vua cha bông hoa màu trắng...Từng cánh hoa phục hồi sức khỏe của nàng. Đôi mắt từ từ mở ra, lần đầu tiên để người ân nhân nhìn thấy bóng hình của hai đóa hoa thấp thoáng trong ánh mắt đó...

Lễ cưới được cử hành chưa được bao lâu, thì tai biến xảy đến cho đất nưóc. Tuân lệnh vua cha, chàng phò mã trẻ cầm quân, tạm chia tay với vợ, ra xa trường dẹp giặc ngoại xâm. Họ hẹn nhau ngày đoàn tụ, và chiều chiều nhờ gió hát gửi theo hướng đến người kia, như một lời trò chuyện... Những lá thư viết trên những cánh chim làm tin, đều đặn bay đi về...

Một hôm nàng bặt tin chồng, tiếng hát của nàng dường như loãng vào khoảng không, chỉ còn tiếng vọng lại từ gió núi. Cẩm chướng chờ mãi tin chồng, nhưng những cánh chim bay đi, rồi lại trở về không.....Đoán điềm chẳng lành đã xảy ra, chiều chiều nàng ra nơi thác núi, tiếp tục chờ tin. Cho đến một buổi chiều, chim bay về đem tin chẳng lành...Bật khóc, và tuyệt vọng, Cẩm chướng tung mình theo giòng thác, mất tích giữa giòng nước ồ ạt.....

Từ chỗ chân nàng đứng, theo những giọt nước mắt rơi xuống, người ta về sau tìm thấy một loài hoa mới, với dáng dấp y hệt như đóa hoa trắng của anh tiều phu trẻ cứu người, chỉ khác màu đỏ thắm. Đóa hoa nở cạnh giòng thác, êm đềm, và dịu dàng, nhưng vẫn kiêu sa và vững vàng giữa trời gió cao nguyên và khí trời khắc nghiệt của cao nguyên.

Lạ hơn nữa, trong những ngày u uất nhất, người lữ khách vô tình soi bóng trên giòng nước, sẽ thấy bóng phản chiếu của những đóa hoa mang màu mắt long lanh, và bóng hình y hệt đôi mắt nàng công chúa. Từ đó hoa mang tên Cẩm chướng, để tưởng nhớ hoài đến nàng công chúa chung thuỷ chờ chồng.....

Chi tiết bên lề:

Cẩm chướng, đóa hoa hồng như những viên bông gòn, không hương, nhưng lại rất đẹp. Cái đẹp thầm lặng. Cẩm chướng rất quan trọng trong cuộc sống của người Hy lạp và Ý. Vào thời phồn thịnh của Ý(Romans era) cẩm chướng trở thành biểu tượng của sự hùng mạnh của dân tộc nàỵ Cẩm chướng cũng được gọi là hoa của Jove, vì Jove là một trong những thần được quý chuộng nhất.

Sự tích cẩm chướng thật khó biết, nhưng một trong những điển tích của nó xuất phát từ thánh kinh. Sách vở kê? lại trong thánh kinh, khi Đức Mẹ Đồng Trinh Mary nhìn thấy chúa Jesus bị đóng đinh, bà bật khóc. Từng giọt nước mắt của bà rơi xuống chân Chúa, thấm vào lòng đất và từ đó mọc lên những cành cẩm chướng đủ màu lộng lẫỵ.....

Cẩm chướng còn được dùng trong việc tiên đoán tương lai của người con gái vị thành niên ở Đại Hàn. Khi người con gái ở vào tuổi vị thành niên, ba đóa hoa cẩm chướng được cài lên búi tóc của cô gái theo thứ tự. Nếu đóa hoa nào tàn trước, chẳng hạn như đóa dưới cùng, cô bé sẽ phải chịu khổ cực cả cuộc đờị Còn nếu đóa trên cùng, thì những ngày cuối cuộc đời, cô bé phải chịu nhiều đau khổ. Khoảng đầu đời của cô bé sẽ rất khốn khó, nếu như đóa chính giữa tàn nhanh hơn hai đóa hoa kia....

Hoa Quỳnh



Hoa Quỳnh với những cánh trắng mỏng manh và tinh khiết chỉ khoe hương sắc quý phái vẻn vẹn trong một đêm rồi tàn. Dưới đây là những bông quỳnh trắng ở Việt Nam, một trong 19 chi của loài hoa thuộc họ xương rồng này.

Em xinh tươi trong sắc hoa Quỳnh
Đẹp dịu dàng trong màu trắng tinh khôi
Em e ấp trước ban mai ngày mơi
Chỉ hé nở khi sương xuống đêm thâu

Mấy ai hiểu cho đời em nhỉ?
Chỉ tỏa hương và bừng nở vào đêm
Là tặng phẩm cho những ai chờ đợi
Biết nâng niu, quý trọng khoảnh khắc này

Có mấy hoa giống như phận của em?
Chỉ làm bạn với sương lạnh giá buốt
Đùa cùng trăng, ca cùng dế trong đêm
Rồi em sẽ lịm dần vào sáng sớm.

Nhưng em yêu, yêu chính phận hoa Quỳnh
Bởi trắng trong và nồng nàn hương thơm
Sẽ không bị quấy rầy loài ong bướm
Chỉ mình em tươi sáng giữa đêm khuya!


Hoa Quỳnh chỉ nở trong vòng một đến hai tiếng vào ban đêm rồi tàn.
Loài hoa được mệnh danh là "nữ hoàng của bóng đêm" này là cây cảnh phổ biến ở Việt Nam.
Khi nở, những cánh hoa quỳnh từ từ mở ra với tốc độ có thể quan sát được nên có thú uống trà ngắm hoa quỳnh nở từ xa xưa.
Hoa quỳnh trắng đạt đường kính tối đa khi nở từ 10 đến 20 cm.
Thời điểm hé nụ cho đến khi nở bung của hoa quỳnh kéo dài trong vài tiếng.

Hoa quỳnh có mùi hương nhẹ nhàng.
Hoa chỉ nở hết cỡ trong hai đến ba tiếng trước khi tàn.
Những bông hoa quý phải đâm ra từ cạnh lá cũng là thân có hình rộng và dẹp của cây quỳnh.
 Ngoài quỳnh trắng phổ biến còn có loài quỳnh đỏ hiếm hơn.
Tại Việt Nam, hoa quỳnh đặc trưng cho những gì đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, hay vẻ đẹp e ấp, dịu dàng và thanh khiết của thiếu nữ.

Wednesday, August 26, 2009

Hoa bất tử

Hoa bất tử, hay còn gọi là cúc bất tuyệt, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Tại Việt Nam được trồng phổ biến ở Đà Lạt, và tại đây nó được coi là biểu tượng cho tình yêu bất diệt. Hoa bất tử thường được các bạn trẻ tặng nhau để thể hiện tình yêu của mình. Những bông hoa bất tử nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc tuy bông hoa những cánh hoa đã chết song nó vẫn giữ được màu sắc ban đầu của mình chính vì điều ấy bất tử được thể hiện như minh chứng của tình yêu vĩnh cửu.

Em đã đến, và em đi. Đành vậy!


Biết làm gì khi chẳng trọn vòng tay.


Hoa bất tử như tình anh bất tử.


Để ngàn năm thương mãi một chiều mưa.

Tôi gọi em là hoa bất tử - xin em đừng hãnh diện. Hầu hết các loài hoa đều dịu dàng: cẩm chướng, ngọc lan nữ, kể cả các loài hoa to lớn khát vọng như hoa quỳ, kể cả loài hoa có gai sắc như hoa hồng. Tất cả đều rất dịu dàng. Riêng hoa bất tử thì… em biết loài hoa ấy chứ? Những bụi hoa bất tử nở rộ bên con đường xinh tươi kỳ thú ở Đà Lạt. Những cánh hoa bất tử như làn da người rám nắng trên bãi cát nền xanh của Đà Lạt. Những bông hoa không mềm dịu như da người, chạm tay vào cánh hoa bất tử như chạm vào lá khô.


Xin lỗi đã gọi em bằng tên một loài hoa không dịu dàng. Chẳng bao giờ em nói với tôi một lời trìu mến. Sợ rằng tôi sẽ thu lấy cái trìu mến ấy làm một chiến tích quá kiêu căng? Và em nhận nụ hôn của tôi như người ta nhận đèn đỏ ở ngã tư đường. Thì thôi đành chịu. Chỉ chờ đèn hiệu dứt là vội vã chạy đi… Người phát tín hiệu yêu đương là tôi chỉ còn biết đứng trở lại… trụ đèn ở ngã tư.

Vậy mà em vẫn mặc nhiên làm người tôi yêu. Như thể em tin vào một số mệnh nào đó thôi. Em thấy cái số mệnh ấy có thể hình là tôi.

Em chưa bao giờ nói yêu tôi, em chỉ thường xuyên có mặt bên tôi – đi dạo với tôi, uống chung 1 ly nước vớI tôi khi khát. Còn khi em không khát thì tôi uống cả chén đắng của niềm dửng dưng. Cũng có lúc em tựa đầu tóc ngắn vào tôi như cố tình thực hiện cái vĩnh cửu của giây phút đó không một chút dịu dàng, cho tôi hiểu là em đang mệt cần 1 chiếc ghế tựa.

Cánh hoa bất tử như làm bằng giấy. Hoa bất tử giống với mọi loài hoa giả đựng trong những chiếc hộp thủy tinh. Đấy là sự chết giả vờ làm hoa không chết.

Hoa bất tử khô khan màu nắng úa. Cả những giọt sương long lanh mát rượi cũng làm hoa đổi sắc những giọt sương như tình yêu của mùa xuân giăng trên cỏ hoa.

Hoa bất tử dửng dưng như không biết rằng niềm vui thì qua mau. Dù hoa bất tử không đẹp bằng em nhưng niềm dửng dưng thì giống em quá!

Em không biết rằng hạnh phúc nó chỉ hót nơi những trái tim đầy bóng mát dịu dàng, trong những ánh mắt long lanh như sương và trong những nụ cười êm dịu như cỏ. Hay em cho rằng người phụ nữ của thế kỉ này phải như thế? Tôi e sợ cái ngày mà người ta chế tạo ra được 1 người phụ nữ bằng máy. Rồi sẽ có muôn người phụ nữ bằng máy xuất hiện mà chẳng cần có ai chế tạo ra. Trước khi như thế ( mà đến thế thì thôi) xin em đừng điện tử hóa trái tim mình

Lily - Hoa Bách Hợp

Thánh thiện - Trong trắng

Và trong ánh bạc sáng lung linh
Những đóa Loa Kèn trang nghiêm đứng đó
Như những nữ tu trinh bạch, ngọc ngà
Trong bài kinh cầu nguyện
Những làn hương thanh khiết
Khiến không trung trở nên thánh thiện
Và tràn ngập màn đêm, thơm ngát.

Julia C.R.Dore



Tên tiếng Việt : Bách Hợp, Loa Kèn, hoa Huệ Tây
Tên tiếng Anh : Lily
Tên tiếng Pháp : Lis, Amaryllis (Red Lily)
Tên Latin : Lilium
Tên khoa học: Lilium Longiflorum
Họ : Liliaceae (Hành tỏi)
Ý nghĩa : 
 
Lily : Sắc đẹp - Đức hạnh - Thanh cao, quý phái - Kiêu hãnh
Lily trắng : Thanh khiết, trinh nguyên, ngọt ngào, chân thành.
Thông điệp : Thật tuyệt vời khi bên em (It''s heavenly to be with you)
Lily vàng : Lòng biết ơn, sự vui vẻ.
Lily cam : Sự căm hờn.
Lily Tiger : Sự giàu có, kiêu hãnh.



Lily có nhiều loài và nhiều biệt danh khác : Asiatic Lily, Oriental Lily, Madonna Lily, Easter Lily, Bermuda Lily, Trumpet Lily, Snow Queen, Mary''s Tear, Tiger Lily (Turks Cap Lily)...



Lily, Bách Hợp, Loa Kèn hay hoa Huệ Tây trắng là bông hoa rất quan trọng và ý nghĩa đối với Cơ Đốc giáo, biểu tượng cho sự trinh trắng và đức hạnh. Trong Kinh Thánh, Lily được nhắc đến bằng cái tên "vị tông đồ khoác áo choàng trắng hy vọng" (the white robed apostles of hope). Lily mọc trong vườn Gethsemane sau khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Easter Lily được cắm trong nhà thờ suốt mùa lễ Phục Sinh để mừng sự hồi sinh của Chúa Jesus. Lily trắng được dâng hiến cho Đức Mẹ Đồng Trinh (Madonna Lily - Hoa tượng Thánh Mẫu), và là biểu tượng của sự thanh khiết, trong trắng. Truyền thuyết kể rằng trước kia Lily màu vàng, sau khi được Mẹ Maria cúi xuống hái nó lên, Lily mới hóa thành màu trắng.Trong những bức họa xưa, người ta thường vẽ thiên thần Gabriel cầm trong tay một cành hoa Lily trắng đến báo tin cho Mary rằng bà sẽ là mẹ của Chúa Hài Đồng. 



Những bức họa khác còn vẽ các thánh đem những bông Lily trắng đến cho Mary và Jesus. Chuyện kể rằng, Thomas nghi ngờ, khăng khăng đòi mở huyệt để xem Người có thật sự đã được lên Thiên Đàng. Khi huyệt mở ra, ông thấy trong huyệt đầy ắp hoa Hồng và hoa Huệ Tây trắng xinh đẹp. Cùng với hoa Hồng, Lily trở thành những bông hoa của Mary. Đối với những người Cơ đốc giáo, Lily trắng còn là bông hoa truyền thống cho mùa lễ Phục Sinh, lễ Truyền Tin như là biểu tượng hân hoan vui mừng trước vẻ đẹp, niềm hy vọng và cuộc sống. 



Người La Mã và Hy Lạp cổ đại đã từng tôn vinh Lily trắng lên ngôi cao nhất của các loài hoa. Trong các lễ cưới Hy Lạp và La Mã bấy giờ, người ta đội lên đầu cô dâu vòng vương miện hoa Lily trắng trang hoàng với lúa mì như biểu tượng của sự thanh khiết. Vậy mà Lily cũng là biểu tượng của cái Chết và được đặt trên những ngôi mộ. Ngày xưa, người ta còn tin rằng Lily tự mọc trên những ngôi mộ của những người trong sạch, vô tội mà bị xử oan. Truyền thuyết Tây Ban Nha cổ kể rằng ăn cánh hoa Lily sẽ giúp cho người bị biến thành quái vật được trở lại thành người. Lily cũng là một bông hoa phổ biến trong văn minh Do Thái cổ (từ Hebrew - Do Thái cổ của Lily là Shusan) và là bông hoa thiêng của người Assyria cổ. Nó từng được nhắc đến trong kinh Tân Ước. Thời Trung Cổ, theo những quan niệm mê tín, nếu mơ thấy Lily vào mùa xuân báo hiệu một cuộc hôn nhân hạnh phúc và sung túc, ngược lại, nếu mơ thấy Lily vào mùa đông, sẽ là điềm báo sự thất vọng hay sự chết yểu của người yêu. Cũng ở thời kì này, người ta còn dùng Lily trắng (củ của nó), để chữa bệnh. Thế nhưng, khoa học ngày nay đã chứng minh rằng Lily thực ra không có dược tính và những phương thức chữa bệnh từ Lily vì thế chỉ là huyền thoại.
Trong thần thoại Hy Lạp, Lily trắng được sinh ra chính từ những giọt sữa của nữ thần Hera (Queen of Heaven) - vợ thần Zeus. Chuyện kể rằng, Hercules là con trai của Zues với một phụ nữ bình thường Alceme. Vì muốn cho con trai mình có thêm sức mạnh thần thánh, Zeus để Hera ngủ say rồi đặt cậu bé bên cạnh nữ thần cho bú sữa. Khi Hera tỉnh dậy, bất ngờ và tức giận, bà đẩy đứa trẻ khỏi mình. Những giọt sữa thừa lúc ấy phun trào xuyên qua bầu trời tạo nên dải Ngân Hà (the Milky Way), còn vài giọt rơi xuống mặt đất, từ đó mọc lên những bông hoa Lily trắng đầu tiên...



Lily là bông hoa thiêng của văn minh Minoan * , biểu tượng đặc biệt của vị Nữ Thần thống lĩnh thời kỳ Minoan, Britomartis hay Dictynna, khởi nguyên từ thời Đồ Đá. Bà duy trì uy quyền của mình ở Crete cho đến khi trận Đại Hồng Thủy huyền bí xảy đến với nền văn minh Minoan vào giữa thế kỷ 16 trước Công Nguyên. Khi giáo phái của nữ thần dần dần bị đồng hóa vào tôn giáo của người Hy Lạp, bà trở thành tiền thân của nữ thần Mặt Trăng - Muông Thú - Săn Bắn Artemis trong thần thoại Hy Lạp (chị em sinh đôi của thần Mặt Trời Apollo, tương ứng với nữ thần Diana trong thần thoại La Mã). 



Ngày nay, người ta tìm được những mảnh gốm cổ mang hình ảnh hoa Lily của nền văn minh Minoan ở đảo Crete. Các nhà khoa học cho rằng những mảnh gốm Minoan chính là di tích của nền văn minh Atlantis huyền thoại. **



Lily cho mùa lễ phục sinh (Easter Lily) xuất xứ từ Nhật Bản và mọc dại tự nhiên ở nhiều nơi khác như Trung Quốc, Formosa, quần đảo Lichu (?)... Lily đã từng được nhắc đến trong một cuốn sách về vườn cảnh Nhật Bản từ năm 1681. Easter Lily đến vương quốc Anh năm 1819 và chẳng bao lâu sau đó, nó đã trở thành một bông hoa quen thuộc được ưa chuộng. Những củ hoa Huệ Tây được xuất khẩu sang Anh, Mĩ từ Bermuda, bấy giờ là trung tâm sản xuất Hoa Huệ Tây thương mại đầu tiên ngoài Nhật Bản. Các củ Huệ Tây lúc đó còn được gọi là "Vàng Trắng" (White Gold).
Ah, Lily cũng được vẽ trong một bức tranh nổi tiếng của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân của Việt Nam mình, các bạn nhớ không, tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa Huệ". Bức tranh đã bán cho một người sưu tầm đồ cổ với giá 15,000 USD rồi bị tráo ra nước ngoài. 



Lily có thể chưng trong bình được khá lâu, từ 14-20 ngày. Muốn hoa tươi bền, ngay khi hoa mở cánh, người ta cắt bỏ bao phấn vàng để hạt phấn không lem vào cánh hoa.



* : nền văn minh rực rỡ thời kì Đồ Đồng ở đảo Crete (thuộc Hy Lạp, trên Địa Trung Hải), khoảng năm 3000 - 1100 trước Công Nguyên. 
** : Trong bản anh hùng ca nổi tiếng "Timaeus và Critias", hiền triết Hy Lạp Plato đã miêu tả rất tỷ mỷ về sự sụp đổ của thành phố Atlantis. Theo đó, khoảng 11.000 năm trước, toàn bộ nền văn minh Atlantis này đã bị nhấn chìm trong một thảm họa động đất và núi lửa dưới chân những cột đá của Hercules. Huyền thoại về một nền văn minh có tên là Atlantis đã ám ảnh nhân loại từ mấy nghìn năm nay. Khi tìm ra châu Mỹ, người ta đã ngỡ rằng đó chính là miền đất hứa này. Sau đó, người ta lại nghi ngờ tam giác Bermuda, đảo Thera (Hy Lạp)... là nơi chôn giữ Atlantis. Và đến bây giờ là... Gibraltar!

CÂY SEN - CÂY THUỐC

Cây sen từ lâu đã rất quen thuộc với chúng ta. Hình ảnh hoa sen hồng rực rỡ "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" là biểu tượng đẹp của một loài hoa đồng nội. Hoa sen là loại hoa dân dã nhưng cũng đẹp một cách kiêu kỳ, sang trọng... Lá sen thơm mát, một hương thơm kỳ diệu khó tả thành lời. Trong rất nhiều bài thơ hay về Hà Nội, tôi nhớ nhất bài thơ về cốm Vòng của Nguyễn Xuân Thâm, trong đó có câu "Xanh già sen Tây Hồ". Có lẽ câu thơ hay không phải vì nghệ thuật gieo vần đặt chữ mà vì sự liên tưởng do nó gợi lên: lá sen xanh già, những hạt cốm non, hồ Tây, mùa thu... Cứ thế những kỷ niệm về một vùng đất, về một thời ùa về... Còn trong lĩnh vực thảo dược học, có lẽ ít loài cây nào mà hầu như tất cả các bộ phận đều là những vị thuốc quý như cây sen.


Xin kể về những vị thuốc đó:


Hạt sen (còn gọi là Liên nhục, Liên tử) vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm cố tinh sáp trường. Hạt sen là một vị thuốc quý vừa có tác dụng bổ dưỡng lại an thần, được dùng trong nhiều đơn thuốc. Ðặc biệt hạt sen còn dùng chữa trị các chứng tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng. Hạt sen cũng là một loại thực phẩm quý, thường dùng nấu chè, làm mứt, chế biến thành nhiều món ăn ngon. Xin nêu một vài đơn thuốc có hạt sen:

- Chữa di tinh, hoạt tinh, di niệu: bài Cố tinh hoàn
Liên nhục 2kg.
Liên tu 1kg.
Hoài sơn 2kg.
Sừng nai 1kg.
Khiếm thực 0,5kg.
Kim anh 0,5kg.
Các vị tán thành bột, riêng kim anh nấu cao, làm thành viên hoàn, ngày uống 10-20g.
- Chữa tiêu chảy mãn tính
Liên nhục 12g.
Ðảng sâm 12g.
Hoàng liên 5g.
Sắc uống hoặc tán bột uống mỗi ngày 10g.
- Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng: bài Táo nhân thang
Táo nhân 10g.
Viễn trí 10g.
Liên tử 10g.
Phục thần 10g.
Phục linh 10g.
Hoàng kỳ 10g.
Ðảng sâm 10g.
Trần bì 5g.
Cam thảo 4g.
Sắc uống ngày 1 thang.
Tâm sen (còn gọi là Liên tử tâm): Vị đắng tính hàn, có tác dụng thanh tâm trừ phiền, chỉ huyết sáp tinh. Dùng an thần, trị sốt cao mê sảng, hồi hộp tim đập nhanh, huyết áp cao. Thường dùng phối hợp với một số vị thuốc khác như cúc hoa, hoa hòe, hạt muồng... pha trà uống để dễ ngủ, hạ áp. Liều dùng 1,5-3g.
Tua sen (Liên tu): Vị ngọt sáp, tính bình, tác dụng thanh tâm cố thận, sáp tinh chỉ huyết. Dùng riêng hoặc phối hợp với hạt sen. Liều thường dùng 1,5-5g.
Gương sen (Liên phòng): Vị đắng sáp, tính ôn, có tác dụng tiêu ứ chỉ huyết, dùng trị các chứng băng lậu ra máu, tiểu ra máu... Thường dùng để cầm máu bằng cách đốt thành than rồi phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng 5-10g.
Lá sen (Hà diệp, Ngẫu diệp): Vị đắng sáp, tính bình, tác dụng thanh thử, thăng dương, chỉ huyết. Dùng trị cảm nắng, say nắng, xuất huyết do sốt cao. Chữa các chứng cảm sốt mùa hè rất tốt. Ðã ứng dụng nhiều năm chữa sốt xuất huyết thể nhẹ.
- Chữa sốt cao nôn ra máu, chảy máu cam: bài Tứ sinh thang
Sinh địa tươi 24g.
Trắc bá diệp tươi 12g.
Lá sen tươi 12g.
Ngải cứu tươi 8g.
Nấu lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
- Trị béo phì, hạ cholesterol máu cao: Ðây là một công dụng mới phát hiện của lá sen. Trên thị trường hiện có bán nhiều loại trà giảm béo có lá sen. Có thể tự dùng bằng cách nấu lá sen tươi uống thay nước hàng ngày, mỗi ngày 1 lá.
Ngó sen (Ngẫu tiết): Là một món ăn ngon, ngoài ra còn dùng trị các chứng đại tiện ra máu, tử cung xuất huyết kéo dài, khí hư bạch đới, tiêu chảy kéo dài. Liều dùng 6-12g.