Một buổi chiều thơ thẩn đạp xe ra dốc chợ Bưởi, nơi từ lâu đã là chợ hàng hoa cây cảnh của Hà Nội, tôi bỗng ngỡ ngàng gặp mầu tím hoa sim. Cây hoa nhỏ bé nép mình bên những vạt dây leo đong đưa, vậy mà vẫn gây chú ý bởi màu tím hồng mãnh liệt. Chợt nhớ mấy năm trước, có lần về thăm nhà bạn ở một vùng quê trung du, cũng đã từng gặp màu hoa ấy, mỏng manh song nở đầy cành và có những quả tròn xoe, ngọt, thơm và mọng nước.
Ở quê bạn, người dân dùng sim trong khá nhiều việc: lấy lá để tắm sát khuẩn cho con trẻ sơ sinh ; hái hoa để nhuộm vải, chế mầu vẽ, làm bông sim cài áo trong trò chơi học trò chú rể cô dâu, hái hoa cắm lọ cho vui cửa vui nhà…; quả sim bé xíu bằng ngón tay út sai trĩu trịt một cây phải có từ 60 đến 100 quả, lúc xanh hơi chát song khi chín thì ôi thôi ngọt lịm, ngọt hơn cả đường mật, hái về có thể ăn no bụng, làm món ăn tươi hoặc sấy khô thành quà lưu niệm ...
Đã có khá nhiều thi phẩm về hoa sim. Song có lẽ không gì hay hơn bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Bài thơ được tác giả sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp về chính cuộc đời mình, và ngay sau đó đã được phổ nhạc thành nhiều bản tình ca. Có người dựa theo cả bài, có người chỉ lấy câu nhặt ý. Trước năm 1975, Màu tím hoa sim cũng đã từng được giảng dạy ở miền Nam. Biết bao người đã chép bài thơ vào sổ tay lưu truyền đến nay, xem đây là bài thơ tình hay nhất của thế kỷ.
Màu tím hoa sim mở đầu với hình ảnh người em gái, người vợ trong lòng người chiến sĩ: “Nàng có ba người anh đi bộ đội”, và người em nhỏ nhưng “chưa biết nói”. (Nàng là cô gái Lê Đỗ Thị Ninh, con của Tổng thanh tra nông lâm Đông Dương, các anh là Lê Đỗ Khôi tiểu đoàn trưởng đã mất trên đồi Him Lam Điện Biên Phủ, Lê Đỗ Nguyên nay là trung tướng Phạm Hồng Cư và Lê Đỗ An cũng là một cựu chiến binh).
Hình ảnh người lính, người chồng của cô gái đồng thời là nhà thơ Hữu Loan cũng hiện lên ngay sau đó: “Tôi người vệ quốc quân xa gia đình/Yêu nàng như tình yêu em gái”. Là người lính không có của cải lại xa nhà, nhờ quen biết mà gặp và yêu nàng nên anh rất chân thành và được đáp lại. Bản thân cô gái cũng sống giản dị. Tại thời buổi bấy giờ con nhà quê các thường ăn vận sang trọng học theo lối Pháp, cưới xin phải có váy đầm, đăng ten che mặt, vòng hoa kết hình trái tim cầm tay vậy mà “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới”, chỉ ăn mặc một bộ quần áo thường có chỉnh trang hơn một chút, và chịu đứng ngay bên cạnh chú rể một anh lính chân ướt chân ráo vừa mới về “mặc đồ quân nhân/Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân”. Tuy nhiên với sự khéo léo, tinh tế của người con gái, nàng cũng xin cắm một “bình hoa ngày cưới” với vài bông hoa đồng nội để minh chứng cho tình yêu hạnh phúc của hai người.
Cô gái rất hồn nhiên, đã không so đo tuổi tác. Khi hai người lấy nhau nàng 16 tuổi ông 32 tuổi. Cái tuổi 32 có thể nói là cái tuổi ế vợ mà lại được người vợ trẻ trung yêu mến hơn thế còn hãnh diện: “Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo”. “Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong là đi”. Lấy vợ chỉ được có hai tuần người lính đã phải tiếp tục hành quân theo mệnh lệnh. Cả hai vợ chồng vui vẻ từ bỏ hạnh phúc riêng nhỏ bé vì ngày độc lập của đất nước.
Mang theo tình yêu của người vợ, người lính trẻ xông pha trận mạc với niền tin có ngày tất thắng ngày đoàn tụ. Nhưng trong anh vẫn luôn canh cánh vì chiến tranh còn dài, thương cho người vợ phải chờ mong: “Từ chiến trường xa nhớ về ái ngại… thương người vợ hiền bé bỏng chiều quê”. Nhưng như bao cuộc chiến trong lịch sử nhân loại, luôn có sự mất mát vì vậy mà “không chết người trai khói lửa/Mà chết người em gái hậu phương tuổi xuân thì”.
Khổ đầu bài thơ có cụm từ “tóc nàng xanh xanh” và “ Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi…”, chỉ mấy dòng thế thôi mà gần như đã báo hiệu một điều gì đó rất to lớn như một sự tiên liệu. Trong quá khứ đã có nhiều nhà thơ nói về mái tóc xanh miêu tả vẻ đẹp thanh xuân của người con gái, vẻ trẻ trung của người con trai đem tới cho người đọc một sự hào sảng tuy nhiên kết thúc bao giờ cũng là mái tóc xanh ấy dần úa vàng, vẻ đẹp bị phôi phai, cuộc đời cũng nổi trôi. Theo phong tục Việt Nam, phụ nữ có chồng sẽ búi một búi tóc dày và cài một cái trâm cho thấy người đó đã yên bề gia thất. Vậy mà Ninh lấy chồng “tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi…” nó cho thấy nàng chưa thể gánh vác được chuyện đời và chỉ tiếc đã ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ.
Ngày cưới không trao nhau vật gì, chỉ còn chiếc bình hoa giờ làm bạn trên ngôi mộ hoang tàn. Người chồng trở về cố nhớ lại hình ảnh cuối, tiếng nói cuối, và thổn thức bởi “giây phút cuối không được nghe em nói/Không được trông thấy nhau một lần”, chỉ thấy khoảng không mênh mông chập choạng bóng hoàng hôn: “Tôi về không gặp nàng, má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối”.
“Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/áo nàng mặc mầu tím hoa sim”. Rừng thông cạnh nhà Ninh có rất nhiều vạt sim tím, từ bé Ninh đã thích lên rừng hái hoa và quả sim, thậm chí còn mặc áo mầu tím. Cái mầu tím từ bao đời nay đã được xem là biểu tượng của sự thủy chung và chờ đợi. Người con gái khi chọn yêu hoa sim đã không biết mình chọn sự chờ đợi.
Trong bao nhiêu loài hoa, hoa sim chỉ là một loài hoa dại, sống trên đất cằn sỏi đá. Hoa rất đẹp, thật kỳ lạ mỗi khi nở là hàng chục bông một lúc rạng rỡ, hoa đẹp song là trên nền tảng đất đai khắc nghiệt, đẹp trong sự lẻ loi. Người con gái yêu thiên nhiên giờ đã hòa vào mảnh đất quê hương, và biết đâu đã biến thành một khóm sim lay động trên đường dõi theo người lính trẻ hành quân.
Đi hoạt động cách mạng, mặc dù biết tin vợ mất, song không thể bỏ về, người lính chỉ có thể trở về trên đường hành quân ghé thăm mộ vợ. Lặng lẽ thắp hương và đọc bài thơ. Không phải là Nhớ thương em mà là Màu tím hoa sim.
Bài thơ kết thúc trong cảnh gió thu có người thăm viếng mộ: “Một chiều rừng mưa ba người anh từ chiến trường Đông Bắc”. Thực tế đó là nhà thơ Hữu Loan, nhà báo Phấn Đấu và họa sĩ Nguyễn Đức đến thăm Ninh. Không biết lấy gì chỉ biết dùng bình hoa ngày xưa làm bình hương để tạ lỗi với người đã khuất. Bên cạnh đó là đứa em nhỏ giờ đã lớn khôn cùng lên thăm mộ chị. Vượt trên nỗi buồn là niềm hy vọng, là sự sống và sự phấn đấu vì sự sống. Cái chết không phải là sự chấm dứt mà là sự mở đầu cho sự sống.
Hãy còn đó đứa em thơ rồi nay sẽ thay chị trông nom gia đình. Hãy còn đó người chồng, người anh và những người lính chiến đấu vì sự bình yên, thống nhất và đoàn tụ của bao gia đình. “Gió thu về cỏ mọc vàng mộ chí” song xuân tới cỏ lại xanh tươi cảnh vật lại rạng ngời.
Người con gái không còn nữa. Song hoa sim vẫn nảy sinh mãnh liệt ở những nơi đất đá đồi núi những nơi mà những thứ cây khác không chịu được và những kỷ niệm về một thời yêu dấu sẽ mãi không bao giờ phai và sẽ là niềm an ủi trong lòng người lính. Mỗi khi qua những cánh rừng hoa sim, dừng chân ngắm hoa, đói lòng ăn quả và trong mênh mông, “những đồi hoa sim dài” trong “chiều hoang biền biệt” sẽ là những người bạn xẻ chia vui buồn.
No comments:
Post a Comment