Tuesday, November 16, 2010

Huế một lần trở lại

Huế xưa hay hồn Huế mới xưa?
Tôi vẫn muốn trở về dòng sông ấy
Xanh trong sắc mây dưới trời phượng cháy
Đường lá bay áo trắng vẫn đi về.

Mưa đổ muôn chiều bên góc quán cà phê
Nhớ đôi tay ai bấm từng phím nhạc
Nhớ Thuận An chiều biển reo như hát
Nhớ bạn bè ngồi đếm những vì sao

Nhớ điệu hò xưa vang khúc ly tao
Dòng nước lạnh soi mắt huyền sóng sánh
Nghe khắc khoải hồn xưa đồi Vọng Cảnh
Chiều Tịnh Tâm mênh mang trong cánh sen.

Huế vẫn bình yên với nẻo đường quen
Hàng long não tươi xanh ngày gió lộng
Câu nhắn xưa vẫn còn trong hoài vọng
“Giữ một chút gì rất Huế, nghe em…”
Thế là tôi lại trở về Huế xưa – nơi cũng có dăm ba chuyến thăm nhà kể từ cái lần xa hẳn của 10 năm về trước. Sài Gòn mưa lớn lắm, xối xả như níu bước chân đi, khiến tôi chần chừ đi ra đi vào xem chừng thời tiết mà suýt trễ chuyến bay. Nhưng qua vài thành phố thì trên không trung bắt đầu hiện ra nắng vàng và mây trắng. Máy bay hạ cánh lúc 6 giờ 5 phút, tôi đi xe mặt đất về thành phố trong ráng chiều của buổi hoàng hôn. Anh lái trẻ khá đẹp trai cũng nhiệt tình và vui tính, ân cần dành cho mẹ con tôi chỗ ngồi đẹp nhất và khuân giúp hành lý khi xe dừng trước cửa nhà.

Thời tiết của Huế mát dịu. Đêm đứng ở ban công nhìn ra ngọn đèn vàng rất sáng len qua từng vòm lá mà lòng dội lên một cảm giác thân quen. Cây vú sữa trồng trước sân nhà tôi đang mùa ra trái. Tôi nhớ ngày xưa nhà tôi có mảnh vườn rộng, trồng nào rau, nào xoài, nào ổi, nào khế… Chốn xưa vẫn đó nhưng mảnh vườn đã mất khi căn nhà được đập đi xây lại, cũng không còn giàn thiên lý leo quanh cổng với những chùm hoa xanh dìu dịu, và con đường trước nhà cũng mở rộng gấp đôi khiến tôi không thấy hàng long não ngày xưa. Nhà tôi, bây giờ nằm lọt thỏm giữa khu khách sạn và cho thuê văn phòng, có lẽ là một trong những căn nhà rất hiếm hoi dùng để ở chứ không phải kinh doanh.
Tôi sẽ làm một “phóng sự” nho nhỏ cho 5 ngày ăn chơi ở Huế như một chút gì để nhớ, để thương, để lưu lại hình ảnh của một thành phố đã từng gắn với bao kỷ niệm khó quên trong đời. Giây phút chia xa thấy lòng xao động một nỗi niềm khó tả như câu thơ của Thu Bồn:

“Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.”
1. Về Huế, ghé thăm nàng công chúa

Công chúa Huyền Trân có một vị trí rất đặc biệt trong lòng người dân xứ Huế, có thể nói là một niềm tri ân, bởi nhờ có nàng mà nước Việt mới có vùng non nước Hương Bình thơ mộng ngày nay. Người Huế có khúc dân ca Nước non ngàn dặm theo điệu Nam Bình nói về người con gái sắc nước hương trời chấp nhận cảnh sống biệt ly để đem về cho nước Đại Việt châu Ô, châu Lý có dòng sông được gọi là Hương Giang quốc gia chi bảo: “Nước non ngàn dặm ra đi... Mối tình chi! Mượn màu son phấn, đền nợ Ô, Ly. Xót thay vì, đương độ xuân thì, số lao đao hay là nợ duyên gì? Má hồng da tuyết, cũng như liều hoa tàn trăng khuyết, vàng lộn theo chì. Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì. Thấy chim lồng nhạn bay đi...”

Xót thương cho người con gái rơi vào cảnh: “ngoảnh lui cố quốc, ngập ngừng gót ngọc; mây phủ kín trời thương, ngơ ngẩn bâng khuâng” nên người Huế không chỉ đặt tên đường “Huyền Trân công chúa” mà còn dựng điện thờ nàng.

Điện thờ Huyền Trân cách khu trung tâm khoảng 6km, nằm dưới chân nước Ngũ Phong. Theo cảm nhận của riêng tôi thì điện không đẹp lắm, nhưng đến đây, tâm hồn thật thư thái vì cảnh núi đồi thoáng đãng đầy bóng thông xanh vi vút gió ngàn. Chính điện và tượng công chúa nằm lọt thỏm giữa đồi thông ấy, xung quanh là cảnh lá hoa. Một bức tượng Phật Di Lặc khá to nằm trước lối đi lên tháp chuông Hòa Bình ở đỉnh núi Ngũ Phong.

Chúng tôi trèo mấy trăm bậc đá để đánh chuông và nhìn về thành phố. Người trèo lên đồi khỏe nhất, nhanh nhất hóa ra lại là cô con gái 5 tuổi của tôi. Chuông Hòa Bình là một quả chuông đồng nguyên chất, cao hơn 2m và nặng 1,6 tấn. Đã lên đến đây thì dù mệt cũng phải đánh một phát chuông, coi như góp một lời nguyện cầu hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Tiếng chuông trong, ngân dài và vang xa. Nghe nói hòa thượng Takaoka Shucho trụ trì chùa Nagoya sau khi nghe tiếng chuông đồng này đã tìm đến nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đặt một quả chuông như thế mang về nước Nhật.

Thú vị nhất có lẽ là lúc đánh chuông xong và đứng trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh xung quanh: mây trời bát ngát, rừng núi mênh mông, những dãy phố nằm dài lặng lẽ và gió lồng lộng thổi, thấy trong lòng ngập một cảm giác thanh bình.


PhotobucketPhotobucket
Điện thờ ở chân đồi và tháp chuông Hòa Bình ở đỉnh đồi. Từ đây nhìn xuống thành phố rất đẹp

Photobucket
Tượng phật Di Lặc trong khuôn viên điện thờ

…và những đồi thông

Huế nhiều đồi thông lắm, đi giữa rừng thông hầu như không bao giờ có nắng, và nghe nồng nồng mùi nhựa, những quả thông khô rải đầy dưới chân. Điện thờ Huyền Trân công chúa cũng nằm giữa đồi thông như thế. Tôi cũng nhớ những đồi thông Từ Hiếu, Thiên An… mà thời cấp II vẫn đi cắm trại, nhớ nhất là Thiên An với rừng thông xanh mát soi bóng xuống hai hồ Thủy Tiên trong vắt – nơi tôi đến lần đầu năm 10 tuổi với tập thể lớp 5/1 của thầy Duy, đi bộ trên con đường dài 6km.

Photobucket

2. Suối nước nóng

Dòng suối khoáng này có một cái tên rất dễ thương: “Thanh Tân”. Phải chăng nó mang hàm ý rằng những ai hay tắm suối đều giữ được tuổi xuân và sức khỏe? Cái thời tôi đi cách đây gần 10 năm thì dòng suối còn hoang sơ lắm, chỉ được xây kè đá và ngăn thành từng khúc có nhiệt độ khác nhau (lên đến điểm nóng nhất của dòng suối thấy hơi bốc lên nghi ngút và có thể luộc trứng được). Bây giờ thì khu vực này đã được quy hoạch lại thành một điểm giải trí. Hoa lá được trồng nhiều hơn, quang cảnh đẹp hơn, thêm nhiều hồ tắm được xây dựng như hồ nước nóng, hồ tạo mưa, hồ trượt, hồ massage, hồ sóng biển… Tôi vẫn thích tắm ở dòng suối bao quanh các hồ, dưới những tán lá xanh và cảnh núi rừng phía sau. Không chỉ có suối nước nóng, đi vào sâu hơn một chút còn có dòng suối nước lạnh trong vắt nằm giữa núi rừng. Suối Thanh Tân là suối khoáng, nguồn nước vẫn được dùng làm nước khoáng Thanh Tân nên tắm xong thấy rất thư giãn và sảng khoái.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

3. Dòng sông kỷ niệm

Tôi đã đi qua nhiều dòng sông, nhưng vẫn không thấy con sông nào thơ mộng và quyến rũ như dòng Hương xứ Huế. Một người bạn Pháp của tôi quả quyết rằng về bản chất tự nhiên thì sông Hương còn đẹp hơn sông Seine, và dòng sông này như một phụ nữ đẹp quyến rũ, bí ẩn và nguy hiểm, bởi nước sông trong xanh và êm đềm như không hề có sóng, nhưng thực tế thì đây là con sông sâu với rất nhiều vực thẳm.

Lại nhớ câu thơ của Thu Bồn:

“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

Photobucket
Khúc sông ven cồn Hến và Vỹ Dạ (ảnh chụp lúc đi thuyền trên sông Hương)

Có nhiều giai thoại về tên con sông này. Tục truyền rằng ngày xưa vua Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân để lấy hai châu Ô, Lý, khi thuyền đi ngang dòng sông này thì nàng thấy một mùi hương dìu dịu tỏa ra, bèn đặt tên là sông Hương. Sử sách lại cho rằng chúa Nguyễn Hoàng đương lúc băn khoăn không biết nên xây chùa ở đâu thì đêm nằm mộng được một bà tiên bảo rằng hãy đốt hương đi dọc bờ sông, khi nào hương tắt thì dừng lại xây chùa. Chúa Nguyễn làm theo, sau đó đặt tên dòng sông này là sông Hương và ngôi chùa bên bờ sông là chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là Linh Mụ). Xoay quanh cái tên của dòng sông này còn có nhiều giai thoại khác, tôi xin trích một đoạn trong bài Sông hoa của Lê Huỳnh Lâm: “Các cụ ngày xưa nói nước sông Hương pha trà thì rất thơm, ngon nên được gọi là sông Thơm, rồi một vài ý kiến lại nói nước trên dòng sông này toả ra một mùi hương dìu dặt của loài cỏ Thạch Xương Bồ mọc dọc ven bờ sông, kẽ đá phía thượng nguồn.” Còn trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “…tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi. Tôi lĩnh hội ý nghĩa của truyền thuyết ấy như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hoá và lịch sử”.

Sông Hương đoạn nào cũng đẹp, từ chỗ thượng nguồn nơi có thể nhìn khúc sông uốn lượn từ đồi Vọng Cảnh, đến chỗ dòng nước chia hai ôm lấy cồn Hến và chảy ven vùng Vỹ Dạ xanh tươi trù phú. Nước sông Hương ngọt ngào tạo nên những vườn cây nổi tiếng của đất cố đô như Kim Long, Vỹ Dạ, cả những món ăn rất đặc trưng mà nơi khác làm khó sánh bằng vì thiếu loại hến ngon và loại bắp thơm ngọt của cồn Hến.

Với tôi, sông Hương là một dòng sông kỷ niệm. Đó là những ngày chủ nhật, vài ba đứa bạn kéo nhau qua Kim Long ăn bánh cuốn hay bún thịt nướng, ngắm vườn cây xanh mướt ven sông. Đó là những chuyến đi chơi thuyền Rồng ngược dòng lên chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén và lăng Minh Mạng rồi thuyền tắt máy, để xuôi theo dòng nước tự trôi về trong làn gió đêm mát rượi và lấp lánh ánh trăng tan, thả những chiếc đèn lồng thắp nến và lặng lẽ chiêm ngưỡng hoa đăng lững lờ trôi trên mặt nước. Đó là những năm cấp III còn học trường Quốc Học, vào giờ chơi vẫn cùng bè bạn băng qua đường đi dạo ở bãi cỏ rộng và xanh trước bờ sông. Đường Lê Lợi rợp mát bóng cây, chạy dài từ ga tàu đến Đập Đá dọc theo sông Hương, băng qua nhiều trường học nên vẫn được du khách gọi bằng một cái tên trìu mến: “con đường áo trắng”.

Photobucket
Sông Hương và cầu Tràng Tiền

4. Kỳ ảo núi rừng Bạch Mã

Huyền thoại xưa kể rằng, Bạch Mã vốn là chốn bồng lai tiên cảnh. Ngày xưa ở nơi đây thường có các vị tiên ngồi đánh cờ. Ngựa của tiên mải đi ăn cỏ đồng xa, khi trở lại thì tiên đã bay về trời, ngựa lang thang đi tìm rồi hóa thành mây trắng. Cái tên Bạch Mã ra đời từ đó.

Tôi đi Bạch Mã vào một ngày đầu tháng 5. Đây là dịp khá lý tưởng để khám phá chốn núi non kỳ ảo này, vì dịp đó khí trời ấm áp, không mưa. Cùng với Sa Pa và Đà Lạt, Bạch Mã là một trong những vùng hiếm hoi có khí hậu ôn đới ở Việt Nam. Nhưng nếu như ở Sa Pa và Đà Lạt chỉ có vẻ đẹp hoa cỏ, núi đồi thì Bạch Mã là nơi tổng hòa vẻ đẹp thiên nhiên: mây, núi, biển, hồ… Chẳng thế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết một thiên bút ký tuyệt vời về Bạch Mã đã gọi đây là “ngọn núi ảo ảnh”.

Núi Bạch Mã thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km, được xem là "vùng ôn đới giữa miền nhiệt đới", có vườn quốc gia với nhiều động thực vật quý hiếm và gần chục thác nước, các sườn núi luôn chìm trong mây. Bạch Mã càng lên cao càng lạnh, và mây trắng bay lững lờ xung quanh, sánh đặc như kem, tưởng có thể dùng muỗng mà xúc được. Ngay cả trong những ngày nắng nhẹ, Bạch Mã vẫn lẫn trong sương và mây trắng. Vào mùa lạnh, có thể mịt mù đến mức chỉ nghe tiếng mà không thấy người.

Bạch Mã chìm trong mây
Bạch Mã chìm trong mây

Trong rừng có rất nhiều khe suối, nước mát lạnh và trong vắt, có thể thấy từng viên sỏi và lá mục dưới đáy. Rừng yên tĩnh nhưng luôn có tiếng ve và chim hót – tiếng ve râm ran như gợi lại một hồi ức xa xưa. Tôi băng qua những dòng suối róc rách chảy, ngồi trên những thân cây bắc ngang và thò chân xuống nước, thấy dễ chịu vô cùng. Từ đỉnh Bạch Mã nhìn xuống biển và thung lũng rất đẹp. Tôi chợt hiểu vì sao người ta đặt tên biển là Chân Mây, bởi biển xanh dưới chân núi luôn chìm trong mây trắng. Hồ Truồi như một tấm gương lớn phẳng lặng lấp lánh ánh nắng.

Từ Hải Vọng Đài (Bạch  Mã) nhìn xuống biển hồ
Từ Hải Vọng Đài nhìn xuống, hôm ấy biển khuất trong mây nên khó thấy qua máy ảnh.

Để khám phá hết những địa danh chính của Bạch Mã như Hải Vọng Đài, Ngũ Hồ, rừng lan, thác Trượt, thác Đỗ Quyên, thác Trĩ Sao, thác Bạc, thác Mơ, thác Bạch Trì, thác Phướn... phải đi khoảng 2 ngày. Hải Vọng Đài là một cái đài quan sát trên đỉnh núi để nhìn xuống biển. Đứng ở đây quan sát cảnh thiên nhiên vừa nên thơ vừa hùng vĩ, đẹp như tranh thủy mặc, chợt thấy mình nhỏ bé làm sao. Ngũ Hồ là nơi có thác nước cùng năm chiếc hồ nhỏ quy tụ lại một điểm. Rừng lan là một dải rừng đủ loại hoa lan thường khoe sắc vào mùa xuân (dịp này trên Bạch Mã hoa anh đào cũng nở rất đẹp). Và thác – Bạch Mã nổi tiếng với gần chục thác nước mang những vẻ đẹp riêng: thác Bạc có những khối đá bàng bạc sáng rực dưới ánh nắng; thác Đỗ Quyên vừa mang vẻ kỳ vĩ với một thác nước lớn cao hơn 300m vừa có nét thơ mộng của hoa đỗ quyên đỏ nở rộ như thảm nhung ở hai bên vào mùa xuân; thác Trĩ Sao là nơi không chỉ có thác, có rừng mà còn rất nhiều chim trĩ đẹp vẫn thường ra chơi khi không gian yên tĩnh; thác Trượt là nơi được nhiều người tắm nhất... Thường chỉ có dân Tây là chịu khó đi bộ lâu như vậy để khám phá thiên nhiên, chứ tôi đi chưa đầy một ngày nên chỉ xem vài điểm thôi (nhưng băng rừng lội suối mệt cũng muốn đứt hơi), tay nghề chụp ảnh cũng chưa chuyên nghiệp nên không lấy được toàn cảnh mà chỉ một vài góc độ.



Một góc thác Bạc và thác Đỗ Quyên

Đỉnh thác Đỗ Quyên (nếu chụp được toàn cảnh từ chân thác lên đỉnh thác sẽ rất đẹp)

5. Phá Tam Giang - nơi đầu biển cuối sông

Một chiều lang thang trên phá
Bên em hương tóc thơm lừng
Mây trời dìu nhau qua núi
Ta dìu nhau qua bâng khuâng

Mênh mang mạn thuyền sóng vỗ
Cánh chim tung trời về đâu?
Bên tai thì thầm em hát
Gió mang lời về muôn sau.

Con còng lang thang góc biển
Cho đời khoảng vắng bình yên
Xin đừng biển Đông xe cát
Ru tình qua giấc cô miên.

Phá Tam Giang chiều ráng đỏ
Màu hoàng hôn buông chơi vơi
Liệu tình hôm nay tha thiết
Mai sau còn tựa vai người.

(Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Mai Hữu Phước)

Bởi thuở xưa vẫn thường cùng bè bạn chạy xe về biển Thuận An qua đoạn đường có phá Tam Giang nên nơi đây còn vương vấn trong ký ức tôi nhiều lắm. Tôi không dám nói Thuận An là vùng biển đẹp, bởi thiếu cả nét duyên dáng lẫn thanh bình của Lăng Cô, nhưng dẫu sao nó gần, và đoạn đường đến biển đầy thơ mộng nên Thuận An vẫn là lựa chọn của nhiều người trong những dịp cuối tuần.

Trên con đường đi biển, phá Tam Giang mênh mông với những con sóng lăn tăn vỗ nhẹ hiện ra trong ánh nắng ban mai rất non - thứ nắng "thủy tinh" lẫn trong làn sương mờ buổi sớm khiến lòng thêm man mác. Chiều từ biển trở về, phá Tam Giang lại nhuộm ánh hoàng hôn thắm đỏ, sóng sánh như mật ong khiến lòng phiêu diêu.

Phá Tam Giang là một vùng nước lợ trù phú với diện tích hơn 50km2, thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng gần 250km2 trải dọc tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ là vùng đầm phá tiêu biểu của Việt Nam mà còn là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Tam Giang có nghĩa là ba sông, tức là nơi ba con sông đổ vào (sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu) và tiếp giáp với biển. Do đặc điểm địa hình, khí hậu và môi trường nước lợ tự nhiên mà thủy hải sản nuôi ở đây rất ngon.

Tam Giang tuy là vùng đầm phá nhưng vẫn có sóng, bây giờ sóng khá hiền nhưng ngày xưa từng có những đợt sóng dữ vẫn được gọi là sóng thần nên có câu ca dao:

"Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"

Tương truyền rằng, trước đây truông nhà Hồ là một vùng đất bạt ngàn hiểm trở vốn là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, còn phá Tam Giang thì hay có "sóng thần". Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh, biết được nỗi lo sợ của dân chúng đã tìm cách dẹp yên. Một hôm ông cho xe chở lúa và hàng hóa qua truông, cài sẵn một người lính ngồi trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ dấu lúa này mà ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp và cho quân bắt gọn. Dẹp xong cướp truông nhà Hồ, quan Nội tán lại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ, mặt khác ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng chĩa ra phá, ra lệnh bắn ba phát lớn. Sau khi ba tiếng súng vang lên, khói bay mù mịt và một luồng nước đỏ như máu loang trên mặt phá. Nguyễn Khoa Đăng bảo với dân chúng là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Nỗi lo sợ về truông nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng:

"Phá Tam Giang ngày nay đã lặng
Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên"

Chiều qua phá Tam Giang, nghe hương muối mằn mặn tan trong gió biển và nhìn ráng hoàng hôn đỏ rực một góc trời, thấy lòng bình yên lắm. Trập trùng trên mặt phá là những dãy hàng rào lưới, phía xa là hàng phi lao xanh rì vi vút gió. Nếu có thời gian, bạn ngủ một đêm trên phá, theo ghe đi câu mực, đánh cá, bắt tôm, sau đó nướng ăn tại trận thì không còn gì tuyệt bằng. Hải sản Tam Giang, đặc biệt là tôm cá, vốn ngon nổi tiếng. Con tôm phá Tam Giang cũng làm nên nhiều đặc sản đi khắp bốn phương trời. Ở đây còn có thứ ghẹ tí hon chỉ bằng vài ngón tay nhưng ngon ngọt đến "lặng cả người".

Phá Tam Giang nhìn từ chùa Phước Sơn

6. Thành phố lăng

"Thành phố lăng" là cách gọi của báo chí, còn dân thường vẫn hay nói nôm na là “thành phố ma” hay "thành phố chết". Đây là khu nghĩa trang xa xỉ nhất nước với hàng ngàn ngôi mộ xây dựng công phu, giá bét thì vài trăm triệu, cao thì cả tỉ, có cái xây đến 2,5 năm mới xong. Báo chí viết nhiều về nơi này vì sự lãng phí đua đòi nhưng nó vẫn thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem (trong đó có tôi ). Nói là mộ, nhưng thực chất mỗi ngôi mộ là một dạng "cung điện nhỏ" với diện tích khoảng bằng một căn biệt thự, được chạm trổ rất tinh xảo và đúc kiên cố bằng móng đá. Mỗi cột, vách... đều là những bức bích họa ghép bằng gốm sứ. Nhiều khách nước ngoài bị lạc vào đây còn tưởng nhầm là mình đang ở trong quần thể di tích vua chúa nhà Nguyễn, mãi đến khi nhìn ngày trên bia mộ mới biết là không phải. Nơi đây vẫn đang được xây dựng hàng ngày, và chính mắt tôi nhìn thấy những bình gốm sứ nguyên vẹn được mua về đập ra để khảm.

Photobucket
Hàng nghìn ngôi mộ trập trùng hai bên con đường đi vào khu nghĩa trang "thành phố lăng"

Photobucket
Lăng mộ được xây dựng rất công phu và hoành tráng

7. Thuận An biển gọi

Không lần nào thăm Huế mà tôi lại không về biển chơi, kể cả mùa đông lạnh. Lăng Cô đẹp nhưng xa lắm, vì thế tôi chỉ thường đi Thuận An – bãi biển cách khu trung tâm có hơn 10km. Chuyến đi biển vào buổi chiều trước ngày về sao mà sảng khoái và làm sống lại bao kỷ niệm tuổi thơ.

Thuận An, hai tiếng ấy đầy yêu thương lắm bởi đó là nơi in dấu chân của "khi xưa ta bé" theo cha mẹ đi tắm biển vào những ngày hè rực rỡ, nơi cùng bạn bè dựng trại 26-3 và đốt lửa vui chơi tưng bừng thuở mười bảy, mười tám… Tập thể lớp A khóa 1991 – 1994 Quốc Học ngày ấy luôn “khét tiếng” vì những trò nghịch ngợm, nhưng học hành cũng rất “ngon lành cành đào”, hầu như không có chỗ ăn chơi nào của Huế mà không ghé qua. Vẫn con đường dài ngày xưa chạy thẳng về biển, hai bên là dòng kênh xanh, vườn cây, đồng lúa, rồi phá Tam Giang… Trời chớm hè lộng gió thoảng theo hương biển mặn nồng. Rừng phi lao xanh vẫn reo vi vút cùng tiếng sóng bên bờ cát trắng, thấy nhớ làm sao những buổi chiều tà thấp thoáng trăng non, sóng biển reo như tiếng hát, bạn bè ngồi chơi chán lại quay xe trở về.

Ôi những ngày tháng đẹp! Lại nhớ mùa hè năm 22 tuổi, bốn đứa bạn từ bốn khoa khác nhau trong trường nhưng thực tập cùng một chỗ, đã làm một cuộc chia tay bên bờ biển để bây giờ mỗi đứa một phương trời. Và nhớ anh xã, năm nọ còn là người yêu đã từ Bắc mò vào Huế chơi khi mình về nhà nghỉ Tết, 5 giờ sáng mồng bốn Tết đột ngột xuất hiện trước cổng nhà, để rồi chở "em yêu" về biển chơi trong gió buốt, chỉ đứng bên bờ nghe tiếng sóng sôi sùng sục dưới nền trời xám.

Photobucket

Photobucket

PhotobucketPhotobucket

Và cuối cùng là một chút lãng mạn của tôi dành cho Huế:

Huế xưa hay hồn Huế mới xưa?
Tôi vẫn muốn trở về dòng sông ấy
Xanh trong sắc mây dưới trời phượng cháy
Đường lá bay áo trắng vẫn đi về.

Mưa đổ muôn chiều bên góc quán cà phê
Nhớ đôi tay ai bấm từng phím nhạc
Nhớ Thuận An chiều biển reo như hát
Nhớ bạn bè ngồi đếm những vì sao

Nhớ điệu hò xưa vang khúc ly tao
Dòng nước lạnh soi mắt huyền sóng sánh
Nghe khắc khoải hồn xưa đồi Vọng Cảnh
Chiều Tịnh Tâm mênh mang trong cánh sen.

Huế vẫn bình yên với nẻo đường quen
Hàng long não tươi xanh ngày gió lộng
Câu nhắn xưa vẫn còn trong hoài vọng
“Giữ một chút gì rất Huế, nghe em…”

Photobucket

Huế, 5-2008

No comments:

Post a Comment